Việc kết thúc đàm phán và đi đến ký kết là tín hiệu tích cực đối với tiến trình hợp tác, phát triển và liên kết trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điểm đặc biệt nhất của tiến trình này là các nước ASEAN giữ vai trò trung tâm, chi phối toàn bộ quá trình từ nêu sáng kiến đến đàm phán và kết thúc đàm phán một hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu tính đến thời điểm này nếu xét về quy mô dân số, số lượng nước tham gia, quy mô GDP và tỉ lệ thương mại toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết Hiệp định RCEP Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam hướng tới khu vực mậu dịch tự do đúng nghĩa nhất. Đây là một hiệp định mang tính biểu tượng rất rõ ràng về tiến trình hướng tới tự do hóa thương mại, đầu tư ở châu Á dù chủ nghĩa bảo hộ đang là rào cản rất lớn trong khu vực cũng như trên thế giới.
Mặc dù các quốc gia ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 với 5 nước đối tác còn lại nhưng hiệp định này không chỉ là sự tổng hợp các hiệp định đã có mà còn tiến thêm một bước đến xây dựng nhiều khung khổ hợp tác khác, đặc biệt là về thương mại điện tử. Còn về mặt lợi ích thuế quan, cam kết không chỉ dừng lại ở mức tương đương các hiệp định song phương mà hướng tới đàm phán thành công tỉ lệ ưu đãi cao hơn. Quan trọng hơn cả là nguyên tắc xuất xứ chung cho cả khối sẽ tạo điều kiện mới để tăng cường lợi ích từ thương mại, thậm chí cả lợi ích từ đầu tư cho Việt Nam. Bởi vì Đông Á là khu vực có mạng liên kết sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng phát triển năng động nhất thế giới. RCEP có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ hơn các chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến mức làm đứt gãy hầu hết chuỗi cung ứng - sản xuất quan trọng.
Hiệp định được ký kết và thực thi vào thời điểm kịp thời để Việt Nam cũng như các nước nội khối có cơ hội tốt trong việc phục hồi kinh tế, dù cho chúng ta phải đối mặt với thách thức lớn trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiểu biết đối tác. Những lợi ích không chỉ dừng lại ở câu chuyện tự do hóa thương mại mà còn là sự hợp tác để cùng nâng cao năng lực trong một khối có trình độ phát triển không đồng đều.
Tất nhiên, RCEP lẽ ra có thể mang lại cơ hội còn lớn hơn nữa nếu giữ chân được Ấn Độ - đất nước có dân số thứ 2 thế giới và có nhiều cải cách mạnh mẽ cũng như tốc độ phát triển nhanh. Chúng ta vẫn để ngỏ cánh cửa để quốc gia này tham gia vào RCEP với hy vọng 10-15 năm tới, đây có thể là thị trường giao thương, đầu tư 2 chiều tuyệt vời. Còn trước mắt, chúng ta vẫn tận dụng RCEP trong tâm thế là một quốc gia thuộc ASEAN với tính chất trung tâm và mang trong mình lực hút đầu tư rất lớn. Cần một chiến lược thu hút đầu tư cụ thể bằng những lợi thế sẵn có bên cạnh nhiệm vụ cải cách không được lơ là.
Bình luận (0)