Buổi sáng đi làm qua phố Phan Đình Phùng, ngắm sắc trắng hoa sưa, tự nhiên thấy lòng dịu lại. Những cánh hoa nhỏ bé, mỏng tang nhuộm trắng một khoảng trời, xóa đi nỗi lo lắng bệnh dịch đang hiện hữu, mang lại cảm giác bình yên và nhẹ nhàng lạ lùng.
Hoa sưa nở trắng trên phố Phan Đình Phùng - Ảnh: Thế Huỳnh
Cũng khiến tôi được an ủi phần nào trong những ngày dịch bệnh, là cái cách người hàng xóm - một ông bố trẻ - chăm cậu con trai của mình. Những ngày trẻ con nghỉ học vì trường đóng cửa, trưa nào cũng thấy người bố xách túi cam về vắt nước cho con uống, nấu cơm cho con ăn. Ông bố trẻ không quên in từng bài tập cô giáo gửi rồi mang về nhà, đến tối, 2 bố con ngồi vào bàn học. Ba năm trước, người vợ không may bị tai nạn, ra đi quá sớm bỏ lại 2 bố con. Có lần, tôi hỏi liệu đã đến lúc bắt đầu cuộc sống mới, ông bố trẻ chỉ cười buồn, dành ánh mắt yêu thương cho con.
Cái cách chăm con ấy, làm tôi nhớ đến bố tôi. Bố tôi nóng tính như Trương Phi nhưng lại là người đàn ông yêu con hết mực. Mẹ tôi đến giờ vẫn ấm ức vì đã từng bị bố tôi "tát cho một cái ù tai". Mẹ kể có lần vô tình chở con đi xe mà làm ngã chị hai, bố tôi nghe chị hai kể lại, vì xót con mà không kìm nổi cảm xúc, tát mẹ tôi một cái.
Mẹ giờ vẫn nhớ chuyện ấy, lâu lâu lại kể để hờn trách nhưng cũng là cách để chúng tôi biết bố tôi yêu các con đến thế nào. Bố tôi sống trong quân ngũ, sống quen kham khổ. Mẹ có món gì ngon thường để dành cho bố, bố lại nhường cho mấy đứa chúng tôi.
Tôi nhớ có năm, vào mùa dưa lê, tôi ăn hết phần của tôi, ngó miếng dưa của bố và nói: "Con thích ăn hạt". Bố nhìn tôi, hai mắt cười cười, đưa miếng dưa cho tôi ăn nốt. Sau này, khi trở thành mẹ của 2 đứa trẻ, tôi mới hiểu tình mẫu tử, phụ tử lớn lao như thế nào.
Bố tôi đi vào tháng 3, mùa hoa sưa. Tôi trở về nhà vào sáng sớm thì đã muộn. Bố đi rồi. Buổi sáng hôm ấy, ôm lấy bố, tôi biết mình đã mất một phần quan trọng nhất của cuộc đời.
Và tháng 3, mùa hoa sưa đã như một kỷ niệm, có thể chỉ nhớ đến, nước mắt đã chảy ra.
Bình luận (0)