Từ ngày 1-3, khi mua thuốc theo đơn ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ phải cung cấp số CMND hoặc thẻ căn cước công dân.
Không khả thi
Quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (hiệu lực từ ngày 1-3-2018) yêu cầu bác sĩ khi kê đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi tên và số CMND hoặc căn cước công dân của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.
Khi đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh, các bậc cha mẹ chỉ mong được đơn giản thủ tục Ảnh: NGỌC DUNG
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, cho rằng quy định này khó khả thi. Theo ông Điển, trong hồ sơ điều trị nội trú của trẻ thì cần ghi số CMND, thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ vì lo ngại có gia đình cung cấp số CMND không chính xác và sau đó không thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Cùng quan điểm, một lãnh đạo BV khác cho biết BV sẽ cố gắng triển khai và có lẽ cũng không khó thực hiện nhưng chẳng lẽ thấy một ông bố ôm đứa con đang sốt đến mua thuốc mà quên hoặc mất CMND thì nhân viên không bán thuốc? Rõ ràng, tính khả thi của quy định này là không có.
Bác sĩ (BS) Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết trong thực tế, nếu phát sinh bất cập, BV sẽ kiến nghị sửa đổi để phù hợp. Trong bất kỳ tình huống nào, quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời, còn giấy tờ của bố mẹ hoặc người giám hộ có thể bổ sung sau bởi nhiều khi đưa con đi viện, cha mẹ chỉ kịp mang theo thẻ BHYT của trẻ, quên hoặc không mang theo CMND/thẻ căn cước công dân hoặc có những trường hợp người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hoặc bố mẹ thì BS vẫn phải lo điều trị trước.
Phiền hà, rắc rối
BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết sẽ không thực hiện được vì mục tiêu quy định mới này khống chế coi trẻ có khám đúng với thẻ BHYT của mình không. Nếu vậy thì phiền hà chứ không giải quyết được gì. Phiền hà cho bệnh nhân và cả BS. Cha mẹ đi làm mang theo CMND, ông bà đưa cháu đi khám thì mang thứ gì bây giờ. Đâu phải đứa nhỏ lúc nào cũng ở gần cha mẹ.
"Chưa nói, đơn thuốc quy định phông chữ nữa chứ! Phông chữ gì thì kệ người ta, miễn sao đọc được thì thôi. Rắc rối lắm. Nếu BS làm đúng thế thì bệnh nhân không được khám mà về nhà là cái chắc. Lúc đó người nhà đâu biết do BS" - BS Khanh nhấn mạnh.
Theo TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi Đồng (TP HCM), quy định thì phải làm thôi, chỉ mất công cho BV là phải đưa cái đó vô phần mềm. Ẵm một đứa bé đi khám bệnh, phải biết rõ người đó có đúng là cha mẹ không để thực hiện mọi quy định trên đứa bé, những can thiệp trên đứa bé để đúng người đó không để họ chịu trách nhiệm, họ trả lời đồng ý, BS mới làm. Quy định mới này chỉ có mất công BV chứ không phải làm khó dễ người nhà. Trong tương lai, nếu thẻ BHYT của bé ngay từ đầu xây dựng có số CMND của cha mẹ thì không phải mất công qua khâu đó.
Cứng nhắc có thể gây khó
Ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết mới đây, cơ quan bảo hiểm cũng đề nghị Vụ Pháp chế - Bộ Y tế xem xét điều chỉnh một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho trẻ dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh. Bởi thực tế, có những gia đình bố mẹ không có ở nhà, phải nhờ người khác đưa con đi khám bệnh, mua thuốc, nếu cơ sở y tế cứng nhắc có thể gây khó cho các gia đình.
"Cũng có thông tin nói quy định này nhằm tránh tình trạng người này đưa con của người khác đi khám chữa bệnh, nhất là những trường hợp quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ BHYT của trẻ khác nhau. Nhưng tôi khẳng định quy định không ảnh hưởng chính sách BHYT vì tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí" - ông Phúc khẳng định.
"Ở nước ngoài, người bán chỉ bán thuốc khi có đơn BS và việc kê đơn thuốc của BS vẫn mua được thuốc buộc phải kê đơn, thậm chí người bán thuốc còn kê đơn, bốc thuốc ngay sau khi người bệnh kể triệu chứng bệnh. Do vậy, quy định này chắc chắn không thể làm giảm việc "bán thuốc linh tinh" và rất khó triển khai" - một BS nhìn nhận.
Bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhi
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết quy định mới này nhằm có sự theo dõi về quá trình sử dụng thuốc, bảo đảm an toàn, quyền lợi cho bệnh nhi, bởi với trẻ dưới 72 tháng tuổi, việc diễn đạt tình trạng sức khỏe có thể không đầy đủ và trẻ chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn hay tư vấn của BS. Việc yêu cầu CMND/thẻ căn cước của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám cần chịu trách nhiệm về thông tin cho bệnh nhi. Với quy định này, BS có thể mất thêm công sức nhưng bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhi. Tuy nhiên, theo ông Thái, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh để điều chỉnh phù hợp.
Bình luận (0)