Ngày tôi sinh ra, cái làng ấy đã mấy trăm năm tuổi, cũng chưa thấy sách sử nào ghi, chỉ thấy đầu làng có tấm bia đá viết bằng chữ Hán - thời gian đã bào mòn, được các cụ già trong làng thông thạo chữ Hán dịch ra đó là sắc phong của vua Trần Duệ Tông dành cho làng Quang Chiêm vào năm Ất Mão (1375). Làng tọa lạc bên con sông nhỏ, một nhánh của Sông La và trường tồn đến ngày nay. Dân cư trong làng ngày thêm đông đúc.
Tôi lớn lên ở đó mà chưa bao giờ nhận ra cái mùi riêng của làng mình, cũng chưa bao giờ nghĩ rằng làng mình cũng có mùi riêng.
Một hôm, nói chuyện qua điện thoại với người bạn định cư ở Đức, bạn tâm sự: Ở bên này, mình nhớ cái mùi làng Quang Chiêm quá!
Ngỡ ngàng, tôi hỏi: Mùi làng Quang Chiêm nó như thế nào vậy bạn?
- Đó là cái mùi mà hồi nhỏ mỗi khi đi làm hay đi học về đến nhà ông T. thì bắt đầu nghe. Thú thật, mình cũng không thể diễn tả được nó như thế nào, chỉ nhớ có chút gì đó mùi của mật mía, chút gì đó mùi của bùn ao, chút gì đó mùi của chuồng heo, chút gì đó mùi của khói bếp, chút gì đó mùi của thức ăn... Nói chung, mỗi thứ một chút. Xin nói thêm, mùi mật mía ở đây là mùi từ các chảo nấu mật của các cụ phụ lão trong làng tổ chức trồng mía, dựng che để ép lấy nước rồi nấu thành mật, đem bán gây quỹ cho người già.
Tranh vẽ làng quê Bắc Bộ của họa sĩ Trần Nguyên
Trở lại mùi làng, từ khi nghe bạn nói về cái mùi làng Quang Chiêm, tự dưng tôi thường ngẫm nghĩ về những cái mùi mà suốt bao năm tháng cuộc đời mình đã gặp nhưng ít khi nghĩ về nó. Nhất là khi đêm về, không gian lắng xuống, tôi đã gặp lại mùi hương nhu thoang thoảng từ mái tóc của người bạn gái cùng bàn thời học THPT. Mùi hương rừng hòa quyện mùi thuốc súng chiến trường và đôi khi là mùi từ chảo cơm của anh nuôi quân. Mùi mồ hôi của mẹ cha nhỏ xuống ruộng nương để gieo mầm hạt thóc nuôi ta khôn lớn nên người… Tất cả những cái mùi ấy cũng khá rõ ràng, riêng cái mùi của làng Quang Chiêm thì tôi chưa hình dung ra và cảm nhận đầy đủ về nó.
Đi đâu, làm gì tôi cũng để ý đến cái mùi làng..., nhất là mỗi lần về lại quê cũ ở làng Quang Chiêm, tôi căng lồng ngực, hít lấy hít để nhằm cảm nhận mùi quê, mùi làng. Quả đúng như bạn tôi đã nói, đó là cái mùi muôn vị hòa vào nhau không thể nào phân biệt rạch ròi để gọi tên cho đúng, nên tôi thống nhất với bạn mình, gọi đó là "mùi làng Quang Chiêm".
Ai cũng có lúc đi xa, có lúc nhớ nhà, chỉ cần bắt gặp mùi cá kho hay nghe tiếng cơm sôi đã thấy ấm lòng, vì rằng trong mùi cá kho, tiếng cơm sôi đó không chỉ là cái sự dậy mùi của cá kho hòa vào mùi của nồi cơm sắp chín, mà đó chính là mùi quê, mùi gọi ta quay về khi đã mỏi bước lãng du.
Và chắc chắn, chúng ta lớn lên, ngoài cơm cha, áo mẹ, chữ thầy… còn bởi chính mùi làng, mùi quê ấy. Đó là một phần của đời sống tinh thần, góp phần tạo nên đạo đức, nhân cách, phẩm giá của mỗi con người. Tôi đã may mắn và hạnh phúc thiếp vào giấc ngủ ngon lành trong phảng phất mùi quê thân thuộc giữa đêm cuối hè sau 40 năm xa cách.
Bình luận (0)