Vấn nạn này không phải bây giờ mới xảy ra. Những năm trước, nhiều nhà vườn ở Đà Lạt đã cảnh báo nông sản của mình bị giả danh nhưng đáng tiếc, các cơ quan chức năng vẫn mờ mịt chẳng truy được thủ phạm để xử lý. Người tiêu dùng bất an, nhà vườn khốn đốn trong khi gian thương thì phe phẩy kiếm lợi.
Thiếu kiểm soát thì gian thương lộng hành cũng là điều dễ hiểu. Cà phê thì bị trộn bắp, đầu nành và hóa chất độc hại tung ra thị trường và hằng ngày được không ít người nhấm nháp. Bia, rượu giả thì phổ biến đến độ chẳng thể nào phân biệt được. Trái cây thì ngâm hóa chất cho mau chín, nhãn mác thì toàn nhập ngoại nhưng không kiểm tra được xuất xứ từ đâu…
Thế nhưng, có những vụ việc sai phạm rành rành, gây bức xúc dư luận nhưng các cơ quan chức năng vẫn dằng dai chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Câu chuyện doanh nhân dạy làm giàu Khaisilk bán hàng trôi nổi nhưng gắn mác hàng lụa Việt Nam đã được phát hiện từ tháng 10 -2017 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.
Trái lại, vừa qua, cơ quan quản lý thị trường đùng đùng kiểm tra hệ thống cửa hàng của Con Cưng rồi ồn ào khẳng định vi phạm làm uy tín của doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nay đã chính thức công bố doanh nghiệp này không vi phạm thì hậu quả khó thể vãn hồi. Doanh nghiệp đàng hoàng không chỉ vất vả đối phó những kẻ gian lận mà nhiều khi phải chịu "đòn dưới thắt lưng" của những đối thủ cạnh tranh nham hiểm.
Nhưng gian thương như trên cũng chỉ là cò con so với những kiểu gian thương dựa vào quyền lực. Hàng loạt dự án cao ốc ở nhiều địa phương sai phạm rành rành nhưng các cơ quan chức năng cứ vòng vo đổ lỗi. Điển hình như các công trình của Tập đoàn Mường Thanh chễm chệ ở hàng chục tỉnh, thành đầy sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý thỏa đáng. Vẽ ra bao viễn cảnh hấp dẫn rồi bán những căn hộ vi phạm cho người khác, mặc hậu quả xảy ra, thách thức cơ quan chức năng thì quả là phải có "số má".
Tại nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa…, nhiều người dễ dàng mua được đất vàng giá rẻ từ chính quyền sở tại rồi sang tay kiếm lợi hàng trăm tỉ đồng nhưng đến nay cũng khó xử lý rốt ráo. Gian thương kiểu này hiện nay ngày càng bành trướng và cho thấy sự nguy hiểm, quyền lực to lớn có thể chi phối được cả cơ quan công quyền.
Gian thương ngày nay đâu còn là những ông chủ bụng phệ, đi ôtô đắt tiền, tay mang cặp táp tiền nữa. Họ có thể là một người không bao giờ có tên trong bất cứ hội đồng quản trị của doanh nghiệp nào nhưng đủ quyền lực quyết định vận mệnh của doanh nghiệp. Họ có thể là một công chức mẫn cán nhưng đủ sức duy trì sự độc quyền mặt hàng thiết yếu của xã hội và kiếm tiền tỉ hết năm này qua năm khác. Bôn ba buôn bán kiếm lợi từng đồng đã xưa rồi. Một dự án ngàn tỉ, một kế hoạch phát triển vùng ở địa phương, một chính sách kinh tế - xã hội… đều có thể trở thành mục tiêu của những gian thương có quyền lực - làm một lần ăn cả đời.
Bình luận (0)