xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muốn mê đắm trong những câu Kiều

Bài và ảnh: Các Ngọc

Người dân Nghi Xuân không phải biểu diễn trò Kiều để kiếm tiền, mà vì lòng đam mê, hơn hết là một cách để thể hiện lòng tôn kính đối với đại thi hào Nguyễn Du

Đến Hà Tĩnh, ghé thăm Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du ở thôn Hồng Lam, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tôi mới được biết nhiều hơn về dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, cùng cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du.

Muốn mê đắm trong những câu Kiều - Ảnh 1.

Du khách đến thăm Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du

Hồn phách như vẫn vương

Khu lưu niệm được xếp hạng khu di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Khoảng cuối thế kỷ XVI, Tiên Điền còn là vùng bãi bồi, dân cư thưa thớt, đã được dòng họ Nguyễn gốc từ Hà Tây di cư vào khai phá, lập làng. Cảnh quan nơi đây thoáng mát. Trong khu vườn rất rộng là những ngôi nhà thờ tự, trưng bày, đàn tế - bia đá, nhà bình văn, đền thờ quận công Nguyễn Nghiễm (cha cụ Nguyễn Du)…

Ngôi đình Chợ Trổ có niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được chuyển về Khu lưu niệm từ năm 1965, hiện là nơi trưng bày gần 1.000 hình ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du cùng những đóng góp của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.

Hồn phách Nguyễn Du dường như vẫn vương trên một số đồ dùng của cụ khi xưa như nghiên mực, nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, đĩa mai hạc có bút tích cụ đề tặng thơ khi đi sứ sang nhà Thanh năm 1813, la bàn cụ thường dùng khi đi săn…, cả trên những tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Muốn mê đắm trong những câu Kiều - Ảnh 2.

Nhiều ấn phẩm “Truyện Kiều” tiếng nước ngoài đang rất cần được chăm chút hơn trong việc trưng bày, bảo quản

Riêng "Truyện Kiều", nhà trưng bày đang lưu giữ, bảo tồn khá nhiều văn bản, trong đó có cuốn in từ bản khắc năm 1866 - được xem là cuốn "Truyện Kiều" cổ nhất được tìm thấy cho đến nay. Cuốn "Truyện Kiều" này viết theo lối thư pháp (độc bản) nặng 75 kg, bề ngang 1,2 m, bề dọc 1,6 m có tranh minh họa do tác giả Nguyệt Đình thực hiện. Ở đây còn có bộ sưu tập "Truyện Kiều" xuất bản bằng các thứ tiếng trên thế giới…

Ngoài ra, khu lưu niệm còn có khoảng 500 ấn phẩm nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và những tài liệu Hán - Nôm liên quan đến dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Khu lưu niệm còn đang lưu giữ những bộ tranh sơn mài khảm trai liên quan "Truyện Kiều", 20 hiện vật gốm sứ tích chị em Thúy Kiều.

Phải nhìn nhận khu lưu niệm đang lưu giữ, bảo tồn một "kho tàng" quý giá về đại thi hào Nguyễn Du và những tác phẩm của ông, cũng như cho du khách hiểu biết về một dòng họ ở Tiên Điền có nhiều nhân vật gắn với một thời kỳ lịch sử Việt Nam.

"Truyện Kiều" được người yêu văn thơ ở rất nhiều nước biết đến. Việc tập hợp các ấn phẩm "Truyện Kiều" bằng tiếng nước ngoài là cần thiết, nhưng tôi đồng tình với cảm nhận của bạn tôi về nơi trưng bày các ấn phẩm này ở vị trí phía dưới một góc tủ phía trong, không chú ý sẽ không nhìn thấy, nên e là không thể hiện được sự tự hào của người Việt Nam về một "Danh nhân văn hóa thế giới".

Chưa kể nhiều ấn phẩm "Truyện Kiều" tiếng nước ngoài đang trưng bày không phải là những quyển đẹp, một số quyển sờn rách, xộc xệch, không được chăm chút trong việc trưng bày, bảo quản.

Nhà bình văn được xây dựng khoảng năm 1836 nhưng sau khi tôn tạo, thay vì sắp xếp các hiện vật, bố trí hình tượng hoặc dựng lại khung cảnh thể hiện đây từng là nơi đàm đạo văn chương của các nhà nho, thì ngôi nhà này lại khóa cửa, thỉnh thoảng mới mở cho khách nhìn thoáng bên ngoài.

Nhìn chung, khu lưu niệm đang bị "đóng khung" là nơi để học tập, nghiên cứu như một di tích lịch sử, trong khi những du khách như chúng tôi lại mong nơi này trở thành một bảo tàng có giá trị văn hóa lớn, cộng với tái hiện không gian văn chương thì hẳn sẽ thu hút du khách hơn.

Muốn mê đắm trong những câu Kiều - Ảnh 4.

Tượng đài đại thi hào Nguyễn Du trong khuôn viên khu lưu niệm

Đầy sức sống thi ca

Hà Tĩnh tự hào là quê hương của Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới.

Riêng ở huyện Nghi Xuân, chính quyền và người dân càng muốn mời du khách thập phương đến, nhưng nếu điểm đến chỉ gói gọn trong việc tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du là chưa đủ để khách cảm nhận một quê hương đại thi hào đầy sức sống thi ca và "Truyện Kiều" hiển hiện trong đời sống ở Nghi Xuân.

Chính quyền huyện Nghi Xuân có "tham vọng" giữ chân khách lưu trú ít nhất một ngày tại quê hương Nguyễn Du, nên cách đây 4 năm đã vận động trên 10 hộ dân ở xã Tiên Điền tham gia du lịch cộng đồng, làm nhà lưu trú (homestay). Nhưng theo các công ty lữ hành, việc đón khách lưu trú rất khó, dù chi phí thấp, vì địa phương chưa cho thấy khách có lý do để ở lại lâu hơn sau khi tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Du.

Một lãnh đạo của địa phương cho tôi biết trong đời sống tinh thần của người dân huyện Nghi Xuân nói chung và xã Tiên Điền nói riêng, "Truyện Kiều" hiển hiện thật đa dạng với những dạng thức văn hóa dân gian đang được giữ gìn như: Trò Kiều, lẩy Kiều, ngâm Kiều, bói Kiều, đố Kiều, chèo Kiều…

Trò Kiều là loại hình diễn xướng dân gian được chuyển tác từ "Truyện Kiều", gồm hát, diễn xuất và làm trò. Làng Tiền (nay là tổ dân phố An Mỹ, thị trấn Tiên Điền) vẫn giữ được nét thanh bình yên ả của một làng quê đất Việt, nơi đây được biết là cái nôi của trò Kiều.

Trò Kiều xuất hiện đầu tiên vào khoảng năm 1920 ở làng Tiền. Dù có lúc tưởng như bị quên lãng, nhưng rồi trò Kiều được vực dậy, rồi phát triển đến nay. Người dân làng Tiền say mê với diễn xuất của các nghệ nhân Câu lạc bộ Trò Kiều Tiên Điền. Huyện Nghi Xuân còn có Câu lạc bộ Trò Kiều ở thôn Cam Lâm, xã Xuân Liên.

Muốn mê đắm trong những câu Kiều - Ảnh 5.

Nhà bình văn từng là nơi đàm đạo văn chương

Thật đáng quý, khi các nghệ nhân trong 2 câu lạc bộ nói trên không chỉ biểu diễn mà còn đang truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp nối, để đưa trò Kiều phát triển hơn. Trường THPT Nghi Xuân đã phối hợp với Câu lạc bộ trò Kiều xã Xuân Liên thành lập Câu lạc bộ Trò Kiều, hướng cho học sinh "bảo tồn di sản văn hóa trò Kiều". Trò Kiều đã có sức lan tỏa mạnh mẽ như thế, còn được đưa vào Liên hoan Dân ca học đường ở huyện Nghi Xuân, cứ hai năm huyện lại tổ chức một lần.

Ông Phan Thanh Là, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân, cho biết người dân Nghi Xuân không phải biểu diễn trò Kiều để kiếm tiền, mà vì lòng đam mê, hơn hết là một cách để thể hiện lòng tôn kính đối với đại thi hào Nguyễn Du. Vào những dịp lễ hội kỷ niệm năm ngày sinh, tưởng niệm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, ở huyện Nghi Xuân đều có các câu lạc bộ biểu diễn trò Kiều.

Trò Kiều được tạo điều kiện lan tỏa ở địa phương như thế nhưng khách du lịch đến quê hương đại thi hào Nguyễn Du, tham quan Khu lưu niệm ở Tiên Điền lại không được thưởng thức một tiết mục trò Kiều nào thì thật là đáng tiếc.

Về lẩy Kiều, chúng tôi được nghe ông Phan Thanh Là tùy hứng ngân nga vài đoạn đối đáp trên đường về làng Tiên Điền. Lẩy Kiều là lựa chọn những câu thích hợp trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du rồi nối lại thành đoạn thơ ngắn hoặc những cặp vế đối sao cho có vần và có nghĩa theo dụng ý riêng.

Lẩy Kiều hình thành ở nước ta khoảng từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX - là sinh hoạt văn nghệ gắn với ngâm hát thơ Kiều, sau này được dùng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày để tạo ấn tượng giao tiếp. Khi "Truyện Kiều" được nhiều người nước ngoài biết đến thì một số chính khách nước ngoài cũng "lẩy" những câu Kiều để ví von về mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Rồi tôi trộm nghĩ, Nghi Xuân muốn hình thành du lịch cộng đồng ở xã Tiên Điền, đã vận động được người dân xây dựng homestay, muốn khách ở lại sau khi tham quan Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, thì chi bằng tổ chức buổi biểu diễn trò Kiều, ngâm Kiều, thiết kế không gian lẩy Kiều, bói Kiều ngay trong làng Tiên Điền. Khi đó, họ sẽ "bắt" được cảm xúc của du khách, cho du khách thấy được "Truyện Kiều" đã đi vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây như thế nào.

Một dạng thức ăn theo "Truyện Kiều" trong dân gian cũng có thể đưa vào phục vụ du khách một cách lành mạnh là bói Kiều. Ở đây không phải là kiểu bói nặng về mê tín dị đoan, mà do "Truyện Kiều" có nhiều tình huống, trạng thái tình cảm nhân vật chính trải qua nên bói Kiều mang tính ngẫu nhiên khi tìm ra trong những câu Kiều ý thơ hợp với hoàn cảnh, tâm trạng của mỗi người - có thể xem là một thú chơi tao nhã, tìm sự an ủi khi gặp khó khăn, tìm sự động viên trước khi làm việc lớn; tìm sự phấn khởi, hy vọng hướng tới tương lai.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, gồm khu lưu niệm rộng 43,65 ha và vùng bảo tồn cảnh quan rộng 296 ha, nhằm xây dựng nơi này trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của quốc gia.

Tình trạng nhiều năm qua chỉ được biểu diễn phục vụ công chúng tại địa phương nhân những ngày lễ hội làm cho trò Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… bị hạn chế phát triển. Nhưng hoạt động này vừa không giới thiệu được rộng rãi, thường xuyên đến khách thập phương những dạng thức văn hóa dân gian gắn với "Truyện Kiều", vừa không thể kích thích niềm đam mê của lớp người trẻ kế tục các nghệ nhân lớn tuổi duy trì, phát triển văn hóa truyền thống của quê hương.

Hai câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên nếu được biểu diễn thường xuyên thì các nghệ nhân vừa có thêm thu nhập vừa nhận thức được giá trị nghệ thuật của chính mình đối với cộng đồng. Các chủ homestay có được sự kết hợp với các câu lạc bộ trò Kiều sẽ phục vụ khách phong phú hơn, tăng thời gian cho khách ở lại tìm hiểu thêm cảnh quan quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo