Từ cảng Bến Đầm về trung tâm huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, du khách không khỏi nhăn mặt trước sự hiện diện của núi rác ngay bên đường. Đây là Bãi Nhát, nơi duy nhất tập kết rác của toàn huyện, diện tích 3.800 m2.
Chi 35 tỉ đồng đưa 70.000 tấn rác về đất liền
Bãi Nhát đang chứa hơn 70.000 tấn rác, tồn dư từ 20 năm qua, chưa kể trung bình mỗi ngày Côn Đảo thu gom khoảng 15 tấn rác thải ra đây. Từ nhiều năm nay, khu vực này chỉ có một lò đốt, nếu hoạt động ngày đêm cũng chỉ tiêu hủy được khoảng 5 tấn rác/ngày nên lượng rác tồn đọng ngày càng lớn.
Để dẫn đến tình trạng rác thải như hiện nay, UBND huyện Côn Đảo nhìn nhận do việc quy hoạch đô thị không đồng bộ, thiếu quy hoạch bãi rác đúng chuẩn; kinh phí đầu tư mua trang thiết bị thu gom xử lý còn quá ít…
Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng huyện Côn Đảo và các sở, ngành ngày 21-2 vừa qua, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã đồng ý với phương án mà huyện đưa ra là chở 70.000 tấn rác về đất liền để xử lý.
Nhân viên tại bãi rác Bãi Nhát đang đưa rác vào lò đốt Ảnh: NGỌC GIANG
Theo phương án trên, rác hiện hữu sẽ được ép lại, đóng thành từng khối với trọng lượng trung bình 450 kg/khối, sau đó đưa xuống tàu, chở về bãi rác Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để xử lý.
Với hơn 70.000 tấn rác, thời gian thực hiện toàn bộ quá trình ép, vận chuyển về đất liền dự tính khoảng 7 tháng với kinh phí ước tính khoảng 35,7 tỉ đồng. Trong đó, 35 tỉ đồng là kinh phí ép, đóng kiện, vận chuyển; gần 600 triệu đồng là kinh phí quản lý, tư vấn và các chi phí khác.
Việc cấp bách, không thể chờ
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết việc đưa rác về đất liền là phương án trước mắt nhằm giải quyết hết núi rác hơn 20 năm qua. Còn vấn đề kêu gọi đầu tư hệ thống xử lý rác thải tỉnh vẫn đang thực hiện nhưng cũng gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã từng khảo sát, lên phương án nhưng không chấp thuận đầu tư.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết để giải quyết hết được núi rác hơn 70.000 tấn trong 2 năm thì phải đầu tư máy móc xử lý với công suất khoảng 100 tấn/ngày với chi phí hàng trăm tỉ đồng. Nhưng sau 2 năm đó, mỗi ngày Côn Đảo chỉ có khoảng hơn 15 tấn rác, không đủ rác để xử lý sẽ không mang lại nguồn lợi cho DN. Trong khi đó, việc giải quyết rác tồn ở Côn Đảo đang là vấn đề cấp bách, không thể chờ đợi thêm.
"UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang bàn, tính toán lại giá thành, sau đó sẽ báo cáo thường trực UBND, Tỉnh ủy và sẽ quyết định đưa về đất liền hay không hoặc có phương án nào khả thi hơn. Bãi rác này đã tồn tại hàng chục năm qua, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nếu muốn xử lý nhanh thì chỉ có phương án đưa vào đất liền" - ông Quốc thông tin.
Song song với việc chuyển hết số rác tồn dư về đất liền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kêu gọi được một DN đầu tư lò đốt âm, không khói với công suất khoảng 25-30 tấn/ngày. Tỉnh cũng đã lựa chọn điểm tập kết rác khác ngoài khu vực Bãi Nhát, tránh xa những bãi biển đẹp để không làm ảnh hưởng cảnh quan cũng như du lịch của Côn Đảo.
Rác khắp nơi, xử lý lúng túng
Chỉ cách đất liền tầm 7 phút đi phà, lại nằm ở cuối con sông Trường Giang đổ ra biển nên xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lâu nay trở thành nơi hứng rác của đất liền. Người dân ở các xã ven biển của TP Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và Núi Thành xả rác ra sông và rác theo dòng nước trôi đi rồi tấp vào ven bờ Trường Giang ở xã Tam Hải gây nên tình trạng ô nhiễm rác thải nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lượng rác thải sinh hoạt của người dân xã đảo thải ra ngày càng nhiều khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý.
Cách đây vài năm, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cấp kinh phí cho xã Tam Hải để xây dựng lò đốt rác tại chỗ. Tuy nhiên, chủ trương này lại vấp phải sự phản đối của người dân địa phương do họ lo ngại ô nhiễm. Hiện nay, chính quyền và người dân địa phương cũng phải vận chuyển rác bằng các phương tiện thô sơ qua đất liền để tiêu hủy. Một số người đem rác thải chôn ngay tại đảo gây lo ngại về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt trong dân hiện được thu gom, vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Lý Sơn để xử lý bằng công nghệ đốt nên không xảy ra tình trạng tồn đọng. Tuy nhiên, điều nan giải khác hiện nay là huyện đảo này không có nơi xử lý các chất thải rắn. Các loại chất thải rắn (chủ yếu chất thải xây dựng) phần lớn được tập trung xung quanh đảo. Việc này không những làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn các rạn san hô quanh đảo. "Chúng tôi cũng nghiên cứu vận chuyển chất thải rắn vào đất liền nhưng như thế rất tốn chi phí, khó thực hiện. Phương án chôn lấp cũng không khả thi vì diện tích Lý Sơn có hạn. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có văn bản báo cáo để cấp trên có hướng chỉ đạo xử lý" - một lãnh đạo huyện Lý Sơn cho biết.
Bình luận (0)