Thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là nguồn lao động trẻ và chi phí lao động thấp không còn là lợi thế; chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển và thu hút đầu tư.
Lực lượng lao động nước ta tăng từ 50,4 triệu người (năm 2010) lên 56,2 triệu người (năm 2020); tương ứng là tỉ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng từ 40% lên 65%, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng...
Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, nguồn nhân lực của nước ta vẫn có những hạn chế chưa khắc phục triệt để. Đó là năng suất lao động thấp khi chất lượng đào tạo không cải thiện; lãng phí do đào tạo không đúng nhu cầu; là nguy cơ thất nghiệp tuổi trung niên khi cách mạng công nghệ 4.0 khiến hàng triệu người cần đào tạo lại...
Xét về giá trị tuyệt đối, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới,năng suất lao động theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2011) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào. năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,6 lần).
Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới, nhất là khi nhân loại vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng và cả những đổi thay về phương thức làm việc, quan hệ lao động..., càng trở nên cấp thiết; là vấn đề có tính thời đại, mang ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đối với mỗi quốc gia trong thời hội nhập.
Tại các tỉnh phía Nam, TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng kinh tế có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuộc hàng cao nhất nước, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao gia tăng nhanh chóng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố mang tính quyết định, tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư; đồng thời quyết định cho sự thành công của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng.
Tọa đàm "Nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do Báo Người Lao Động tổ chức hôm nay, 14-4, cũng nhằm nhìn rõ thực trạng, cùng nhau bàn luận, đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những góc nhìn, cách thức giải quyết do đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia lao động, các trường nghề và doanh nghiệp... đưa ra sẽ rất thiết thực, có giá trị ứng dụng thực tiễn để nâng chất lượng nguồn nhân lực của khu vực và cả nước.
Trải mấy ngàn năm, lời dạy của cha ông "ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay" luôn luôn đúng. Ngày nay, trong thực hiện chiến lược nguồn nhân lực, càng phải nhìn rõ đường đi, có lộ trình và ý chí mạnh mẽ để hoàn thành những mục tiêu cơ bản nhất, góp phần đưa đất nước tiến lên.
Bình luận (0)