Đến vườn nhà ông Nguyễn Việt Bằng - ngụ xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - mùa này, chứng kiến nhiều loại trái cây sum sê, ai cũng thấy thích thú.
Thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm
Ông Bằng cho biết: "Trước đây, tôi chỉ có khoảng 5 công đất trồng lúa. Do thu nhập bấp bênh nên năm 2000, tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn trái. Lợi nhuận được bao nhiêu, vợ chồng tôi tích góp mua đất, đến nay được khoảng 40 công (4 ha). Trong vườn, tôi trồng măng cụt, nhãn, vú sữa Hoàng Kim và mít ruột đỏ".
Là thành viên câu lạc bộ (CLB) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn của địa phương, học được cách bón phân, xử lý cây ra hoa nghịch vụ nên ông Bằng đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái.
Ông tiến hành nạo vét mương trong vườn để trữ nước ngọt, chủ động nước tưới cho vườn cây trong mùa khô. Ông còn xây hồ ngâm phân bón, hạn chế lượng phân bốc hơi và dùng công nghệ tưới phun giúp giảm chi phí chăm sóc cây, tăng lợi nhuận.
Thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm giúp ông Nguyễn Việt Bằng sống khỏe
Trong 4 loại cây ăn trái trong vườn - 300 gốc vú sữa Hoàng Kim, 300 cây nhãn, 200 cây mít ruột đỏ và 150 cây măng cụt - theo ông Bằng, nhãn khó chăm sóc nhất nhưng lợi nhuận lại thấp hơn. "Trồng nhãn tốn nhiều công chăm sóc. Nhãn trồng nghịch mùa rất khó, mỗi năm chỉ làm một vụ, nếu gặp mưa gió thì khó ra bông hoặc bông không đạt, coi như thất thu" - ông giải thích.
Với vú sữa Hoàng Kim, ông Bằng đã trồng cách đây khoảng 3 năm do nhẹ công chăm sóc và tiềm năng kinh tế cao. Mỗi năm, ông chỉ bón phân vài lần, song phải chú ý tỉa cành, tạo tán thông thoáng nhằm phòng trừ các loài sâu bệnh.
Trong khi đó, mít ruột đỏ là loại dễ trồng nhất so với 3 loại cây kia và giá bán lúc nào cũng cao. Ông Bằng tính toán: "Thời gian tới, có thể tôi chỉ giữ lại măng cụt, còn diện tích cây ăn trái khác sẽ chuyển sang trồng mít ruột đỏ".
Vừa qua, ông Bằng thu hoạch các loại trái cây trong vườn. Trong đó, nhãn bán với giá 13.000 đồng/kg, mít và vú sữa Hoàng Kim 30.000 đồng/kg, măng cụt 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông thu được lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Bằng còn có cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu nhập khoảng nửa tỉ đồng mỗi năm. Như vậy, mô hình kinh tế vườn và cơ sở buôn bán đã đem lại lợi nhuận cho ông Bằng hơn 1 tỉ đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, "Nông dân xuất sắc năm 2023" này còn thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Ông Bằng còn hiến tặng hơn 2.000 m2 đất để xây trường học và làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Mua thêm đất, cất nhà, sắm ô tô...
Đường vào ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ nổi bật hơn hẳn nhiều tuyến giao thông nông thôn ở miền Tây vì trồng rất nhiều nhãn, cây nào cũng sai trĩu trái. "Thủ phủ" nhãn của Cần Thơ có một người vừa được vinh danh là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023". Đó là ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa.
Ông Lơ được xem là nông dân lão làng trong việc trồng nhãn ở miền Tây. Hơn 25 năm gắn bó với loại cây ăn trái này, từ nhãn da bò đến nhãn Ido, giúp gia đình ông có thu nhập cao và ổn định.
Ông Phạm Văn Lơ phất lên nhờ cây nhãn
Ông Lơ nhớ lại: "Hơn 25 năm trước, cũng như người dân địa phương, tôi chủ yếu trồng cây có múi nhưng thường bị sâu bệnh tấn công nên năng suất, thu nhập thấp. Năm 1997, tôi cùng một số người được Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cử sang Vĩnh Long tham quan mô hình trồng nhãn da bò. Thấy mô hình này mang lại hiệu quả cao, tôi mạnh dạn chuyển 1 ha cam sành trong vườn nhà sang trồng nhãn".
Ông Lơ cùng nhiều nông dân địa phương đã thành lập CLB trồng nhãn da bò để hỗ trợ kỹ thuật, ngày công lao động. Vụ đầu tiên, ông thu hoạch được gần 10 tấn nhãn, với giá bán khá cao là 30.000 đồng/kg. "Lúc đó, bán 15 kg nhãn đã mua được 1 chỉ vàng. Từ năm 2001 đến 2011, tôi cùng các thành viên CLB mua thêm đất, sắm ô tô, cất nhà khang trang nhờ vào cây nhãn da bò" - ông khoe.
Tuy nhiên, đến năm 2012, bệnh chổi rồng xuất hiện trên cây nhãn da bò và lan khắp cả nước, vườn ông Lơ cũng không tránh khỏi. Cầm cự đến năm 2014, ông cùng các thành viên CLB đốn toàn bộ diện tích nhãn da bò, chuyển sang trồng nhãn Ido vì giống này kháng được bệnh chổi rồng.
Gần 3 năm sau vụ nhãn Ido đầu tiên, ông Lơ thu hoạch được 10 tấn với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg. Từ năm thứ 3, 1 ha nhãn Ido thu hoạch được 20 - 30 tấn, được thương lái thu mua tại vườn với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Với giá bán và năng suất như vậy, ông có lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Tuy lợi nhuận không cao bằng nhãn da bò nhưng nhãn Ido có giá ổn định, không rơi vào cảnh dội chợ như nhiều nông sản khác.
Ngoài ra, ông Lơ còn mở 1 vựa thu mua trái cây, liên kết với nhiều công ty ở TP HCM cung cấp trái cây phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, doanh thu từ vựa này khoảng 20 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
"Từ năm 2019, 29 thành viên HTX đều đã sản xuất theo chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đăng ký mã số vùng trồng để khi xuất khẩu nhãn có giá bán cao hơn" - ông Lơ nói về dự định sắp tới.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đa phần nông dân hiện rất nhạy bén trong sản xuất. Song, để phát triển bền vững hơn, nông dân cần quan tâm tới chất lượng nông sản, ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm.
"Nông dân nên liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh cho ngành hàng. Sản xuất nông nghiệp dễ đối mặt rủi ro. Vì vậy, nông dân cần chú trọng phát triển sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") gắn với du lịch nông nghiệp để tạo thêm thu nhập" - ông Nghiêm nhấn mạnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)