Sáng 28-6, tại Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.
Góp mặt ở nhiều thị trường khó tính
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, trước đây cụm từ an toàn vệ sinh thực phẩm ít người nhắc đến nhưng nay ATTP là câu nói thường trực được nhiều người sử dụng. ATTP đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo điều tra xã hội học, hằng năm kiến thức, thực hành về vệ sinh ATTP của người sản xuất, chế biến, người tiêu dùng đều được nâng lên. Việt Nam từ một nước nhập khẩu nay đã thành một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm đứng tốp 10 thế giới về gạo, chè, thủy sản, cà phê, hạt tiêu... Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... đã nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam. "Chúng ta đã xuất khẩu nông sản đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ với doanh số trên 40 tỉ USD, trong đó gạo trên 3,5 tỉ USD. Thủy sản xuất khẩu với doanh số trên 11 tỉ USD, trong đó tôm trên 4 tỉ USD" - ông Phong dẫn chứng.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, những năm qua, nhiều vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm, siêu thị được xây dựng. Lương thực của Việt Nam đủ nuôi sống gần 100 triệu người dân trong nước và đủ sức nuôi sống thêm hơn 100 triệu dân nữa. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nay nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Riêng với thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay, tại Việt Nam đã có trên 200 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP).
Phản ứng nhanh trước tình hình
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý chất lượng, ATTP được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, phù hợp thông lệ quốc tế. Bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh, ATTP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: hệ thống cơ cấu tổ chức chưa thống nhất, đồng bộ; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao.
Theo Bộ Y tế, hiện nay quản lý nhà nước về ATTP ở Việt Nam được phân cho 3 bộ, trong đó Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng. Riêng tại 3 địa phương là TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh đã triển khai thí điểm Ban Quản lý ATTP trực thuộc UBND. Mô hình tổ chức Ban Quản lý ATTP trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý ATTP của 3 sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực thuộc UBND tỉnh/thành phố được thí điểm vào năm 2016, khởi điểm thành lập tại TP HCM, năm 2017 tại TP Đà Nẵng và năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới đặt ra yêu cầu phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về ATTP từ trung ương đến địa phương. Tại 3 địa phương thí điểm Ban Quản lý ATTP đã giúp phản ứng nhanh hơn trước những diễn biến liên tục về tình hình ATTP. Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn thí điểm nên bị hạn chế một số thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý ATTP tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ trung ương đến địa phương. Mô hình này sẽ tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý ATTP đang thí điểm ở TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh.
Tràn lan quảng cáo "nổ" thực phẩm chức năng
Cục ATTP cho biết việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội, trong khi đó sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao.
Cục ATTP đã xử lý rất nhiều vụ thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo gian dối, sai sự thật, đặc biệt là các quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí, có doanh nghiệp giả mạo đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về thực phẩm chức năng. Do đó thời gian tới, cần hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...), tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân.
Bình luận (0)