22 tuổi, Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Đại dương 2017. Tuy nhiên, sau đó cô nhận không ít "gạch đá" từ cộng đồng mạng với những bức ảnh chế và những lời bình luận khiếm nhã về nhan sắc của cô.
Các chuyên gia trao đổi tại cuộc tọa đàm
Gần đây, một nhà báo viết dòng trạng thái trên Facebook để bình phẩm một cách rất phản cảm về màu da của Hoa hậu Hoàn vũ H’hen Niê ngay sau khi cô đăng quang, khiến cư dân mạng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí giận dữ.
Tại buổi tọa đàm về chủ đề "Bình phẩm công khai về phụ nữ - giới hạn và đạo lý" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức tại Hà Nội, MC Phan Anh đã thốt lên: "Tôi cảm thấy bàng hoàng, rất đau khi đọc những dòng chữ miệt thị tân hoa hậu H’hen Niê".
MC Phan Anh cũng cho biết câu nhiều người đàn ông Việt Nam nói với phụ nữ (hàm ý như một câu khen): "Hôm nay trông em ngon quá" thì ở phương Tây đã có thể bị xử lý vì tội quấy rối tình dục. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho rằng một người mạnh và có nhiều ưu thế như MC Phan Anh mà đôi khi cũng phải lùi bước vì sự yên ổn của chình mình. Vậy thì không quá khó hiểu nếu bản thân người phụ nữ hay đứa trẻ bị "xâm hại" bởi những lời miệt thị, thậm chí cưỡng bức phải lựa chọn chấp nhận hoặc thương lượng dân sự còn hơn bỏ thời gian, tiền bạc để theo vụ kiện mà phần thắng thuộc về họ rất ít.
Với 20 năm làm việc với những phụ nữ bị tổn thương ở nhiều góc độ khác nhau, bà Vân Anh cho rằng "không được "đồ vật hóa" phụ nữ và phụ nữ sẽ không phải là món hàng để "chén".
Ông Đặng Ngọc Quang, nghiên cứu viên xã hội học, nói ông thấy sự "xâm hại" nhau bằng lời, xâm hại nhau bằng cảm xúc, bằng tâm lý đang cực kỳ phổ biến. PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương, chia sẻ rằng bà cảm thấy rất bức xúc về việc nhiều người bình phẩm phụ nữ bằng các câu: "con gái mà trông như con trai", "chẳng có nữ tính gì"… Đây là chuyện cá nhân, luật pháp không cấm, đạo đức không cấm thì có lý do gì chúng ta dám bình phẩm người ta như vậy? Đời tư của người khác không phải là vấn đề chúng ta được phép bình luận" - PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.
Hãy bản lĩnh bước lên
"Bên cạnh việc chờ đợi sự bảo vệ của luật pháp, chế tài đủ răn đe thì nạn nhân muốn sống sót, thay vì khóc lóc rên rỉ, hãy tự vũ trang cho mình một bản lĩnh rắn rỏi để bước lên phía trước. Phải đủ bản lĩnh để vượt qua và tìm những người đồng cảnh để giúp nhau vượt qua những trắc trở trong việc đấu tranh cho bản thân khi bị xúc phạm bằng lời nói" - PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh bày tỏ.
Bình luận (0)