Ngày 23-9, tại Cần Giờ, UBND huyện phối hợp cùng Sở Công Thương tổ chức hội thảo "Đặc sản Cần Giờ và giải pháp xây dựng thương hiệu nông đặc sản TP HCM". Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, nông dân và các doanh nghiệp (DN) cùng trăn trở với các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu lẫn giá bán cho các loại đặc sản nơi đây.
Nhiều đặc sản bị bỏ quên
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nêu thực tế lâu nay, địa phương sở hữu nhiều đặc sản nhưng chưa có thương hiệu, giới thiệu ra bên ngoài chưa tương xứng nên chưa phát triển đúng tầm.
"Cần Giờ có diện tích tự nhiên bằng 1/3 diện tích toàn TP HCM. Hiện trên địa bàn huyện có 43.000 ha đất cho sản xuất nông nghiệp, gồm 10.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 30.000 tấn/năm. Huyện có 200 ha xoài ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Đây là giống xoài Hòa Lộc trồng ở Cần Giờ, được nông dân bón bằng đạm cá nên chất lượng cao, mùi vị rất đặc biệt" - ông Triển giới thiệu.
Sản phẩm yến sào Cần Giờ được đánh giá là chất lượng cao, có nhiều cơ hội phát triển thương hiệu
Ông Triển cho biết 10 năm trở lại đây, Cần Giờ phát triển sản phẩm đặc biệt có giá trị là yến. Yến Cần Giờ được đánh giá là có chất lượng tốt hơn những khu vực khác. Đến nay, toàn huyện có khoảng 530 nhà yến, sản lượng khoảng 14 tấn yến/năm.Năm 2019, mặt hàng xoài, yến, cá dứa của Cần Giờ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sắp tới, 2 sản phẩm là hàu, mật dừa nước cũng sẽ được cấp chứng nhận này."Thời gian qua, sản phẩm của Cần Giờ gần như bị bỏ quên. Chúng tôi rất mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân, DN trên địa bàn và ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước để cụ thể hóa sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ; có giải pháp bảo đảm nguồn cung cầu bền vững, bảo vệ thương hiệu cho Cần Giờ" - ông Triển bày tỏ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất nông sản Cần Giờ cho thấy nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng và chất lượng. Tuy nhiên, điểm yếu phổ biến của các cơ sở là đều do một chủ hộ cá thể tâm huyết sản xuất, chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối các quy trình nên hiệu quả chưa cao.
Thời cơ lớn
Nhiều ý kiến chuyên gia, DN cho rằng với thổ nhưỡng đặc trưng, Cần Giờ là địa phương phù hợp nhất và duy nhất để phát triển thương hiệu nông sản đặc sản cho TP HCM.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki, nhận xét TP HCM và Cần Giờ đang đứng trước cơ hội khuếch trương, phát triển thương hiệu tổ yến. Quy mô thị trường tổ yến thế giới hơn 8 tỉ USD; quy mô thị trường Việt Nam là 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Hiện nay, tổ yến của Việt Nam được các thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đánh giá có phẩm chất tốt nhất và định giá cao hơn sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.
"Đặc biệt, yến sào Cần Giờ dù chưa được xây dựng thương hiệu nhưng được đánh giá có chất lượng vượt trội. Nhiều nhà sản xuất yến sào lớn đã đăng ký mã vùng sản xuất tại Cần Giờ" - ông Nhi nêu.
Với những lợi thế này, sản phẩm yến sào Cần Giờ đã được TP HCM cho phép thí điểm xây dựng thương hiệu đặc sản của thành phố. Mục tiêu là xây dựng, phát triển yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của TP HCM và Việt Nam.
Ở góc độ khác, các DN phân phối cho rằng sản lượng yến cũng như các loại đặc sản khác của Cần Giờ còn rất hạn chế. Vì vậy, rất cần quy hoạch vùng nuôi trồng bài bản, xúc tiến đầu ra cho sản phẩm, cần chứng minh cho người tiêu dùng thấy sự khác biệt của yến Cần Giờ so với các địa phương khác; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm…
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Bộ phận hàng nhãn riêng - Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), nhìn nhận nhà sản xuất phải xác định lợi thế từng mặt hàng cụ thể, chọn định vị phù hợp để tạo sức cạnh tranh riêng cho hàng hóa của mình. "Phải có DN chuyên môn đứng ra liên kết tổ chức sản xuất và giữ ổn định chất lượng để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng" - ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Một số hệ thống phân phối khác như SATRA, Central Retail, AEON, MM Mega Market… cũng khẳng định sản phẩm Cần Giờ chất lượng tốt, phù hợp với kênh phân phối hiện đại, có lợi thế trong vận chuyển về TP HCM tiêu thụ… Đáng tiếc là sự hiện diện của đặc sản Cần Giờ tại các siêu thị chưa nhiều. Các hệ thống cam kết sẵn sàng tham gia từ đầu với nhà sản xuất và nông dân ở đây để hỗ trợ quản lý các khâu sản xuất, quản lý chất lượng để ra thị trường…
Phải ứng dụng mạnh công nghệ
TS Nguyễn Trần Chân - chuyên gia nghiên cứu phát triển kinh tế tri thức và sở hữu trí tuệ Trường Đại học Văn Lang, Viện trưởng Viện Công nghệ Icome - lưu ý Cần Giờ cần đẩy mạnh làm chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại... cho những sản phẩm có thế mạnh. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ để chế biến sâu, ứng dụng số hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Võ Tường Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị công nghệ cơ khí Bách khoa - Trường Đại học Bách khoa TP HCM, nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đi xa hơn thì buộc phải đầu tư dây chuyền công nghệ, sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ nuôi trồng, sản xuất.
Bình luận (0)