Bản kê khai tài sản phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thành lập tổ xác minh kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập... là những nội dung nổi bật trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố để lấy ý kiến.
Không phải "vạch lá tìm sâu"
Trong dự thảo mà TTCP xây dựng, nhóm kê khai tài sản, thu nhập lần đầu gồm tất cả cán bộ, công chức, sĩ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Nhóm phải kê khai hằng năm gồm người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc với người dân.
Đại diện cơ quan soạn thảo, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế - TTCP, cho biết công khai bản kê khai trước đây được quy định qua hai hình thức là công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết ở cơ quan. Tuy nhiên, TTCP nhận thấy việc công khai qua các cuộc họp nặng hình thức nên dự thảo lần này đề xuất chỉ còn một hình thức là niêm yết tại trụ sở, thời gian niêm yết là 30 ngày.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng việc công bố và niêm yết bản kê khai tài sản tại trụ sở làm việc là một bước đi mới rất quan trọng, những người kê khai có thể kiểm tra chéo lẫn nhau, thay vì đọc trong cuộc họp. "Nhiều vụ việc khi báo chí phản ánh sai phạm thì mới lộ ra cán bộ có biệt phủ, đi xe của doanh nghiệp tặng hay vợ con đứng tên nhiều tài sản lớn. Trong khi đó, chúng ta đã có bản kê khai nhưng bản đó không trung thực để kiểm tra, đối chiếu" - ông Vũ Quốc Hùng nêu và cho rằng người đứng đầu đơn vị cần gương mẫu thực hiện kê khai và niêm yết bản kê khai tài sản để cán bộ, công chức trong cơ quan thực hiện nghiêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng vì phải niêm yết 30 ngày nên người kê khai sẽ nâng cao tính tự giác, trung thực trong bản khai. Nếu phát hiện điểm nào trong bản kê khai chưa hợp lý, những người trong cùng đơn vị có thể phản ánh lên cấp trên. Việc niêm yết tại cơ quan sẽ không tránh khỏi "bàn tán, xì xào" về tài sản của nhau trong nội bộ nên người đứng đầu phải quán triệt tinh thần là quy định này không phải để "vạch lá tìm sâu" mà nhằm bảo đảm sự minh bạch.
Tăng cường xác minh
Theo dự thảo, người có phụ cấp 0.9 trở lên (giám đốc sở và tương đương) phải nộp bản kê khai tài sản, thu nhập về TTCP để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, thành viên HĐTV, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, đều phải nộp bản kê khai về TTCP.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng việc theo dõi, giám sát các bản kê khai là rất quan trọng, đây là khâu then chốt để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Các cơ quan quản lý bản khai này cần đánh giá tính trung thực, làm rõ nguồn gốc tài sản, đặc biệt là các tài sản lớn. "Đối với những người phải kê khai tài sản hằng năm, nếu sau mỗi lần kê khai, họ có thêm mảnh đất tiền tỉ thì cơ quan quản lý cần xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản đó từ đâu, với thu nhập hiện tại thì liệu người đó có thể mua được mảnh đất đó hay không" - ông Phạm Văn Hòa nói.
Theo TS Đinh Văn Minh, TTCP được quyền lập tổ công tác đi xác minh khi phát hiện dấu hiệu kê khai không trung thực. Dự thảo cũng quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền chủ động quyết định việc xác minh mà không nhất thiết phải yêu cầu hay được sự đồng ý của cơ quan nào khác. Ngoài ra, việc xác minh bản kê khai cũng sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên trong cơ quan.
Ông Vũ Quốc Hùng đánh giá cao việc kiểm tra, xác minh ngẫu nhiên này, bởi sẽ bảo đảm tính khách quan khi kiểm tra; đồng thời những người kê khai phải nâng cao tính tự giác, trung thực khi đặt bút kê khai tài sản của mình. Bất cứ người kê khai nào cũng có thể vào "tầm ngắm" của cơ quan xác minh, cho nên kê khai trung thực là điều rất cần thiết.
Cây cảnh, tranh ảnh, đồ thờ cúng cũng bị giám sát
Dự thảo nghị định nêu rõ: Những tài sản khác như đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh, tranh ảnh, tiền điện tử... mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên đều phải kê khai. ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng quy định này là phù hợp với thực tiễn bởi không ít loại tranh ảnh, cây cảnh, đồ mỹ nghệ có giá trị hàng tỉ đồng, do đó cần có sự giám sát.
Theo dự thảo, người kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm. Người chậm nộp bản kê khai mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc.
Bình luận (0)