xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ của làng Chăm Phú Nhuận

Bài và ảnh: Thái Sơn Ngọc

Theo NSƯT Amư Nhân, điệu Chei Kathur và đàn Kanhi là chất liệu giúp anh sáng tác ca khúc "Làng Chăm ơn Bác" vào năm 1985, phôi thai từ tấm lòng của một thanh niên Chăm trước công lao vĩ đại của Bác Hồ với dân tộc

Một sáng đầu tháng 5, dịp kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021), NSƯT Amư Nhân rủ chúng tôi theo đoàn làm phim của Đài Truyền hình TP HCM lên thăm tháp Pôkong Garai ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận). Dịp này, anh giới thiệu 9 ca khúc mà anh mới sáng tác, do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận dàn dựng.

Kỳ vọng gìn giữ vốn quý văn hóa

"Tôi đã ký âm trên 75 điệu trống ghi năng và 20 làn điệu dân ca Chăm. Nay đang hoàn thiện và cho xuất bản để phổ biến rộng rãi trong đồng bào Chăm, nhằm gìn giữ giá trị âm nhạc truyền thống. Tôi cũng định hướng cho con trai là nhạc sĩ Inư Tuấn nghiên cứu để làm sao sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm để phục vụ công tác bảo tồn âm nhạc. Cháu nó đã tốt nghiệp Nhạc viện TP HCM nên tôi rất kỳ vọng" - Amư Nhân chia sẻ ước mong.

Rồi chúng tôi cùng về thăm nhà của nhạc sĩ ở làng Chăm Phú Nhuận (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Đấy là căn nhà cấp 4, cũ kỹ nhưng treo rất nhiều bằng khen, chứng nhận giải thưởng âm nhạc của cha con anh. Bạn hữu gần xa cùng Amư Nhân về thăm làng Chăm Phú Nhuận, luôn được anh đãi ba món ngon tiêu biểu của làng Chăm này là cá lòng tong kho lá xào dông xúc bánh tráng nướng, canh dê ăn bún và thịt trâu hấp sả chấm mắm gừng hoặc mắm cá đồng.

Nghệ sĩ của làng Chăm Phú Nhuận - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Amư Nhân chỉ huy nhạc công, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận trình bày ca khúc “Quê anh miền nắng gió”

Nghệ sĩ của làng Chăm Phú Nhuận - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Amư Nhân lên thăm tháp Pôkong Garai

Chúng tôi nhâm nhi chút rượu gạo với món ngon của đồng quê, rồi thưởng ngoạn dân ca, dân vũ đặc sắc trên nền nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm. Làng Chăm này chuyên nghề trồng lúa với nguồn nước nặng phù sa của sông Dinh thơ mộng. Ký ức tuổi thơ của Amư Nhân là những tháng ngày cùng bạn ra đồng chăn trâu, tắm mình trên dòng sông này.

"Những điệu hát giã gạo, hát đối đáp, hát vãi chài của các mẹ, các chị ở làng quê này thấm đẫm trong tâm hồn tôi" - Amư Nhân nói, rồi tiện thể giải thích về nghệ danh Amư Nhân: "Con trai đầu của tôi tên Lộ Minh Nhân, nay là nhạc công của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ninh Thuận. Tộc họ và vợ hay gọi tôi là "cha thằng Nhân", tiếng người Chăm là Amư Nhân. Rồi lúc công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Phước, tôi và họa sĩ Đàng Năng Thọ có tính chuyện nghệ danh cho vui. Hai anh em thống nhất nghệ danh của tôi là Amư Nhân, còn họa sĩ Thọ là Amư Lan".

Amư Nhân là con trai đầu của nghệ nhân Lộ Sung và là cháu gọi nghệ nhân Hán Văn Tiểu là cậu ruột. Thời trẻ, nghệ nhân Lộ Sung và Hán Văn Tiểu thường xuyên mang trống ghi năng đi biểu diễn nhạc truyền thống của người Chăm Ninh Thuận đến với đồng bào các tỉnh.

Theo con đường của thầy

"Tôi đặc biệt rất mê các ông thầy chủ lễ trình diễn điệu hát anh hùng ca trên nền nhạc đệm của đàn nhị mai rùa. Đàn làm từ mai con rùa được cưa phần đầu và bịt da trăn. Hai dây đàn làm bằng những sợi tơ. Cần là ống tre nhỏ không mắt, không gai, dài khoảng 60 cm. Trên cần có 2 thanh gỗ nhỏ để lên dây, phần dưới cắm vào mai rùa. Đàn kanhi có âm hưởng ấm, vang xa, thường giữ vai trò nhạc đệm khi các ông thầy chủ lễ hát anh hùng ca trong các lễ hội dân gian Chăm" - Amư Nhân diễn giải về cây đàn độc đáo của quê anh.

Anh tiếp: "Chei Kathur là làn điệu anh hùng ca có tiết tấu hùng hồn. Khi nghe, mọi người thường liên tưởng hình ảnh người anh hùng mặc chiến bào, cầm đao, ngồi trên lưng ngựa xông pha trận mạc. Lời hát ca ngợi công đức tiền nhân khẩn hoang lập ấp, dạy dân đoàn kết chăm lo cấy cày, dẫn thủy nhập điền, trồng bông dệt vải, chăn nuôi gia súc, tạo lập cuộc sống ấm no thanh bình".

Theo Amư Nhân, điệu Chei Kathur và đàn Kanhi là khúc "song hành" độc đáo của dân ca Chăm, là chất liệu giúp anh sáng tác ca khúc "Làng Chăm ơn Bác" vào năm 1985, khi là cán bộ của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Phước. Bài hát phôi thai từ trong sâu thẳm tấm lòng của một thanh niên người Chăm ghi nhớ công lao vĩ đại của Bác Hồ đối với dân tộc.

Trong lần công diễn đầu tiên tại Nhà Văn hóa tỉnh Thuận Hải (cũ), ca khúc "Làng Chăm ơn Bác" được Đoàn Ca múa tỉnh Thuận Hải chọn tham dự Hội diễn tiếng hát Làng Sen lần thứ nhất, tổ chức tại TP Vinh tháng 5-1985, nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật Bác Hồ. Amư Nhân nhớ mãi hôm đó anh bước ra sân khấu trong trang phục truyền thống dân tộc Chăm. Khi bài hát khép lại trong tiết tấu thiết tha trào dâng cảm xúc mạnh mẽ: "Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam. Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm", thì khán giả vỗ tay vang dội.

Nghệ sĩ của làng Chăm Phú Nhuận - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Amư Nhân trình bày ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” trên nền trống Baranưng

"Tôi xúc động trào nước mắt khi vinh dự được huy chương vàng của hội diễn và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau thành công đó, đầu năm 1986, tôi được mời tham gia cùng đoàn nghệ thuật sang Cuba biểu diễn. Việt kiều sống ở La Havana, Cuba không cầm được nước mắt trong nỗi niềm thương nhớ Bác Hồ khi nghe tôi hát bài này" - Amư Nhân bồi hồi.

"Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ ở làng gốm Bàu Trúc là thầy dạy nhạc cho tôi khi còn là học sinh phổ thông. Chính thầy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi đi theo con đường âm nhạc của thầy. Còn ông Châu Văn Kên ở làng Chăm Văn Lâm là ca sĩ tiền bối ảnh hưởng rất lớn tới con đường sáng tác và biểu diễn âm nhạc của tôi hiện nay" - Amư Nhân nói về hành trình của anh đến với âm nhạc, trước khi trở thành sinh viên Nhạc viện TP HCM ở tuổi gần tứ tuần.

Cách tân các làn điệu dân ca

Những năm đầu sau năm 1975, Amư Nhân lập ban nhạc Đồng Xanh với 4 nhạc công, chuyên đi biểu diễn giúp vui miễn phí cho các đám cưới, các buổi diễn văn nghệ của thôn xóm. Khi có chút tên tuổi, các HTX nông nghiệp mới mời về nuôi cơm cả tháng, vừa sáng tác vừa dàn dựng chương trình biểu diễn cho đội văn nghệ HTX.

Anh kể: "HTX nông nghiệp làng Chăm An Nhơn (nay là xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) mời tôi về viết hai ca khúc "An Nhơn quê tôi" và "Tình ca giếng nước cây bàng". Hoàn thành, tôi được trả công 1 xe lúa khoảng 700 kg. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đầu tiên của tôi trong buổi đầu khởi nghiệp ca hát".

Năm 1991, từ miền đất Phan Rang vào TP HCM làm sinh viên khoa sáng tác của Nhạc Viện TP HCM, để kiếm sống, Amư Nhân tham gia nhóm ca nhạc dân tộc Bách Việt do nghệ sĩ Ngọc Yến làm trưởng nhóm, diễn tại tụ điểm Bách Tùng Việt và đi hát show cho nhà hàng Phú Thọ. Người vợ quê tần tảo canh tác 4 sào ruộng lúa kết hợp mua lúa xay gạo bán, cho chủ vựa tích cóp mua cho anh xe máy cũ để ngày tới nhạc viện học, tối chạy biểu diễn ở các tụ điểm ca nhạc.

Dần rồi giọng ca trầm ấm khỏe khoắn của Amư Nhân cũng được công chúng yêu mến. Anh dần kiếm được thu nhập đủ trả tiền nhà trọ, ăn học và còn dành dụm gửi về quê giúp vợ nuôi các con ăn học. Rồi ba đứa con lần lượt vào TP HCM học các trường đại học, cao đẳng. Vừa đi học, Amư Nhân vừa tất bật hát show để lo cho 4 miệng ăn. Lúc bấy giờ, chuyện 4 cha con thuê trọ chung và cùng đi học xa nhà là trường hợp khá hiếm trong vùng đồng bào Chăm.

Chị Châu Thị Hoa, vợ nhạc sĩ Amư Nhân, tâm tình: "Tui tần tảo làm ruộng, xay lúa, tần tảo nuôi đàn con cho anh Nhân an tâm đi theo đam mê âm nhạc. Các con tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nay có việc làm, tự bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định. Gia đình tôi có đến 6 người con theo sự nghiệp âm nhạc của cha. Tôi rất mừng khi nhìn thấy con đường đam mê âm nhạc của chồng và các con đã gặt hái được những thành công nhất định, phục vụ tốt đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc Chăm và cho đất nước".

Đến bây giờ, Amư Nhân đã có trên 100 ca khúc trữ tình. Đặc biệt, các làn điệu dân ca Chăm được anh cách tân thành những ca khúc mới được công chúng mến mộ, như điệu Hoa kè được anh phát triển thành ca khúc "Bến nước tình yêu" mang hơi thở cuộc sống mới, khỏe khoắn, vui tươi, dào dạt tình yêu lứa đôi. Rồi những ca khúc như "Apsara vũ nữ Chăm" (thơ Inrasara), "Gặp em đêm hội Ramưwan", "Bà mẹ Chăm", "Tình làng gốm"… cũng đều là những tác phẩm rất tiêu biểu, không chỉ được chính người dân tộc Chăm yêu thích mà còn giúp anh đạt nhiều giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Anh còn được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen vì "có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc" và vinh dự được phong tặng nghệ sĩ ưu tú vào năm 2007. 

"Từ làng Chăm Phú Nhuận, tiếng hát trữ tình của nhạc sĩ Amư Nhân đã vượt qua khỏi bờ tre ruộng lúa đến với công chúng. Được sáng tác, được biểu diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm cho đồng bào các dân tộc anh em thưởng thức là niềm hạnh phúc lớn lao của cuộc đời anh.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo