Di tích Vòng thành đá trắng thuộc địa phận ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nằm trên một gò cát lớn dạng gần tròn, có địa hình thoải dốc, thấp dần về phía Nam và liền kề với Quốc lộ 55. Sau nhiều cuộc khai quật khảo cổ học, đến nay diện mạo của một di tích thành cổ được bao bọc bởi vòng hào hình chữ nhật, trung tâm là vòng thành xây bằng đá ong dạng hình vuông có quy mô rộng đến hơn 10 ha đã dần lộ diện, với nhiều tư liệu quý.
Dấu hiệu của một thương cảng sơ khai
Từ cuối năm 2021 đến tháng 4-2022, tại Di tích Vòng thành đá trắng, các nhà khảo cổ đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật với diện tích gần 800 m2, phát hiện nhiều loại hình di tích, di vật đặc biệt. Trong đó, di tích tường thành được xây bằng đá ong, có hai mặt trong và ngoài, bề mặt giật cấp thu nhỏ dần từ dưới lên; di tích bếp sinh hoạt được ghi nhận, trong đó dấu tích thuộc giai đoạn sớm nhất.
Di tích vòng hào, công trình đài quan sát cùng các di vật gồm đục, dao, liềm, kìm; chì lưới bằng đất nung có đặc điểm gần gũi với chì lưới ở di tích Trà Kiệu (Quảng Nam).
Những di tích như tường thành, đồ gốm sứ... được tìm thấy trong đợt khai quật Vòng thành đá trắng giai đoạn 1. Ảnh: NGỌC GIANG
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số lượng lớn đồ gốm với 19.477 mảnh vỡ của các vật dụng sinh hoạt bằng sành, sứ đất nung. Trong đó, đồ sành Champa là các loại vò, chum, chóe chiếm số lượng lớn; các mảnh vật dụng gốm Chu Đậu (thời Lê sơ) và của Thái Lan; nồi, chõ dùng để đun nấu được làm bằng gốm bản địa cùng với các mảnh gốm tương ứng với các di vật thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng còn tìm được đồ sứ thời Minh (Trung Quốc).
Theo Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, trên địa bàn tỉnh BR-VT và khu vực Nam Bộ có nhiều di tích thành cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất như thành Gia Định (TP HCM), thành Biên Hòa (Đồng Nai), lũy Phước Tứ (BR-VT), bảo Tiền, bảo Hậu (Đồng Tháp). Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có Vòng thành đá trắng là di tích thành cổ ở Nam Bộ duy nhất còn trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh.
Giới chuyên gia cũng nhận định Vòng thành đá trắng là di tích khảo cổ duy nhất ở Nam Bộ phát hiện được gốm văn hóa Champa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam Bộ, vào khoảng thế kỷ XV - XVI. Di tích này có những yếu tố của một thương cảng khi nó án ngữ đường vào từ một hải khẩu (cửa Bà Sam) và có lẽ là phần cấu thành của vùng cảng thị xưa trên vùng đất tiếp giáp giữa Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tham gia tích cực vào hệ thống thương mại hàng hải khu vực và quốc tế.
Di chỉ cần được bảo vệ khẩn cấp
Tại hội thảo khoa học về di chỉ khảo cổ Vòng thành đá trắng mới đây, các nhà khoa học khẳng định với những phát hiện khảo cổ học hiện tại đã dần hé mở về một giai đoạn gần như chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất BR-VT và Nam Bộ. Nguồn tài liệu vô giá này hứa hẹn một cơ hội lớn để giải mã các vấn đề văn hóa - lịch sử trước thời kỳ khẩn hoang miền đất phương Nam mà trước đây hoàn toàn chỉ được biết đến thông qua một số dòng ghi chép trong sử liệu hay các bản đồ của triều Nguyễn và các nhà truyền giáo phương Tây từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - đến thời điểm này, cả khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ chỉ còn duy nhất di chỉ Vòng thành đá trắng còn tương đối nguyên vẹn được phát hiện. Để so sánh với các thành Champa ở miền Trung, di chỉ Vòng thành đá trắng có những nét tương đồng với thành Đồ Bàn của Bình Định, mặc dù quy mô di chỉ Vòng thành đá trắng nhỏ hơn; tuy nhiên đến thời điểm này, thành vẫn còn nguyên vẹn trên vùng đất Đông Nam Bộ.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng đây là di chỉ có giá trị lớn. Các di vật phản ánh lịch sử của người Việt hoặc Chăm, giai đoạn từ thế kỷ XV-XVII.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lo ngại bởi không gian di tích Vòng thành đá trắng không chỉ giới hạn trong phạm vi khoảng 4,2 ha của vòng thành bằng đá ong mà còn bao gồm không gian rộng hơn được bao bọc bởi vòng hào có diện tích lên đến hơn 10 ha. Nhiều đoạn hào cổ này đã nằm bên dưới nền móng của các công trình dân sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc…
Giới chuyên gia đề nghị địa phương cần phải khoanh vùng, bảo vệ khẩn cấp di chỉ này. "Do chưa được xếp hạng di tích (dù là cấp tỉnh) nên chưa thể tiến hành bảo vệ bằng Luật Di sản, đây chính là một hạn chế lớn đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản đặc biệt này" - PGS-TS Tống Trung Tín nhấn mạnh.
Bất ngờ phế tích Châu Thành
Qua 3 năm tiến hành khai quật phế tích Châu Thành ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, vừa qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Châu Thành. Theo đó, từ năm 2020 đến 2022, sau 3 lần khai quật khảo cổ tại phế tích Châu Thành, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều kiến trúc, hiện vật rất độc đáo cho thấy khu vực này từng là đền hoặc tháp Chăm, được xây dựng trong 2 giai đoạn, từ thế kỷ thứ IV - VI và thế kỷ XIII.
Các kiến trúc xây dựng tại phế tích Châu Thành được kế thừa từ các đền thờ tín ngưỡng bản địa (thờ đá thiêng). Sự hội nhập của văn hóa Ấn Độ đã hình thành nên các cơ sở tôn giáo có quy mô lớn hơn, bên cạnh đó còn có ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa (thể hiện trên các vật liệu kiến trúc) làm nên nét đặc sắc của văn hóa Champa trong thời kỳ đầu hình thành.
Phế tích tháp Châu Thành nằm trên gò đất cao rộng 3.000 m2 trong lõi di sản văn hóa Chăm ở Bình Định. Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả khai quật khảo cổ học tại phế tích Châu Thành và trước đó là khai quật thành Cha, cộng thêm nhiều tư liệu lịch sử, giúp khẳng định vùng đất Bình Định xưa từng là kinh đô của Lâm Ấp xa xưa.
Hiện vật gốm Champa tại phế tích Châu Thành (Bình Định). Ảnh: ĐỨC ANH
"Vì vậy, tỉnh Bình Định nên sớm tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của phế tích này. Trong tương lai không xa, có thể phát triển nơi đây thành điểm đến du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử Champa trong tiến trình hội nhập chung vào dòng chảy văn hóa Việt" - TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, người tham gia cả 3 cuộc khai quật phế tích Châu Thành, đề nghị.
Đ.Anh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3
Kỳ tới: Di chỉ bí ẩn của người tiền sử ở Trung Bộ
Bình luận (0)