Trần Văn Thuyết, chàng trai 9X quê Thái Bình, được tôn vinh "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" 2018 tại lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 với chủ đề "Khát vọng chinh phục những đỉnh cao" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức tối 19-3 tại Hà Nội.
Thay thế hệ thống đối tác
Đam mê công nghệ từ nhỏ, cậu học sinh chuyên toán của Trường THPT chuyên Thái Bình Trần Văn Thuyết lựa chọn ngành học này khi thi ĐH. Năm 2008, Thuyết trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đúng như mơ ước của mình, học ngành hệ thống thông tin.
Năm 2013, khi tốt nghiệp đại học bách khoa, Trần Văn Thuyết được nhận vào làm việc tại Tập đoàn Viettel ở một dự án đặc biệt lúc đó đang trong giai đoạn triển khai xây dựng và phát triển là Hệ thống tính cước theo thời gian thực (Online Charging System - OCS). Trước đó, như Thuyết thú nhận, anh không mấy thích thú với Viettel vì nghĩ đó là một môi trường gò bó, nghiêm khắc, không phù hợp với mình. Cũng vì thế khi được gọi phỏng vấn công việc tại Viettel, Thuyết xác định đi cho vui chứ không nghĩ mình sẽ vào đây làm việc. Nhưng điều tuyệt vời nhất luôn đến rất bất ngờ là khi gặp người phỏng vấn mình, Thuyết cảm nhận ở tập đoàn này một bức tranh hoàn toàn khác so với suy nghĩ của anh ban đầu. Những người phỏng vấn đã "truyền lửa" đam mê cho Thuyết một môi trường làm việc tương lai thoải mái, sáng tạo. Cậu kỹ sư trẻ được nghe nhiều điều thú vị về tập đoàn này, trong đó có mảng sản xuất thiết bị, vốn là thứ Thuyết rất thích. Sau cuộc phỏng vấn, Trần Văn Thuyết đã thành "Người Viettel".
Ngay từ những ngày đầu làm việc tại Viettel, Trần Văn Thuyết được bổ nhiệm trưởng nhóm vOCS. Anh cùng các đồng nghiệp rất trẻ, cũng là các thành viên chủ chốt của nhóm, đã xây dựng Hệ thống vOCS - phần mềm lưu trữ toàn bộ cơ sở dữ liệu của một nhà mạng. Sau nhiều năm mất ăn mất ngủ với dự án, Thuyết cùng các đồng nghiệp đã tự nghiên cứu, phát triển thành công hệ thống vOCS 3.0 giúp tập đoàn vận hành hiệu quả. Hệ thống này giúp Viettel có thể tạo các gói cước riêng biệt cho từng khách hàng trong tổng số 140 triệu khách hàng trên tất cả thị trường trong và ngoài nước.
Hệ thống OCS được coi là "trái tim" của nhà mạng, bởi nó chứa toàn bộ cơ sở dữ liệu về cước phí được ghi nhận theo thời gian thực của người dùng, cũng như chính sách kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của các nhà mạng. Từ trước đến nay, các nhà mạng của Việt Nam đều phải mua hệ thống tính cước của các đối tác nước ngoài. Hiện nay, trên thế giới chỉ khoảng 20 nhà cung cấp hệ thống tính cước thời gian thực, trong đó có 3 nhà cung cấp lớn nhất là Amdocs, Eriksson, Huawei.
Trần Văn Thuyết tại lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 Ảnh: Như Ý
Đường thành công không dễ
Bắt tay vào công việc lớn với Thuyết không phải là dễ dàng. Biết là khó nhưng Thuyết không lo nghĩ nhiều. Thuyết cứ làm và càng làm càng thấy quan trọng, yêu nó hơn và khao khát có thể thay thế được các hệ thống đang dùng của nước ngoài. Khi Viettel quyết tâm tự phát triển OCS với số kỹ sư ban đầu chỉ 20 người, đối tác của tập đoàn này tỏ ra không mấy tin tưởng vào thành công của dự án. Sự nghi ngờ của đối tác đã khiến Trần Văn Thuyết cũng như các lãnh đạo và đồng nghiệp của anh trong dự án OCS quyết tâm đến cùng. Với tâm thế "nhóm nhỏ làm việc lớn" và "người Việt Nam làm được", năm 2014, lần đầu tiên nhóm mang sản phẩm của mình giới thiệu với Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel chuẩn bị triển khai tại Cameroon. Cả nhóm rất hào hứng, nhưng không có con đường thành công nào lại trải đầy hoa hồng. Câu trả lời cho nhóm của Trần Văn Thuyết là "không đủ điều kiện để thay thế đối tác nước ngoài". Kết quả này khiến cả nhóm rất buồn vì tất cả tâm huyết, công sức mọi người đều đã dồn vào đó.
Gượng dậy sau thất bại, đầu năm 2015, Thuyết cùng nhóm kỹ sư tập trung nghiên cứu và sau đó ra mắt phiên bản 2.0. Dung lượng 1 triệu đầu số/site của phiên bản 1.0 được tăng lên 5-8 triệu. Việc tối ưu hệ thống nhằm giảm tỉ lệ lỗi cũng được thực hiện gấp rút. Nhóm thực hiện dự án đã thuyết phục được Viettel chuyển 8 triệu đầu số sang sử dụng hệ thống vOCS do người Việt Nam thiết kế. Khi đó, Viettel đang đấu thầu dự án vOCS tại Cameroon. Tuy nhiên, vOCS 2.0 gặp nghi ngại từ chính những người Viettel. Không chỉ thua thầu, nhóm còn mất luôn 8 triệu đầu số trong nước đã được công ty mẹ cho phép triển khai thử nghiệm
Đội dự án của Trần Văn Thuyết sau đó đã có nhiều thay đổi cả về nhân sự cũng như hướng nghiên cứu. Các thành viên mới của nhóm được yêu cầu không đọc tài liệu cũ mà chỉ nghiên cứu tài liệu mới. Với tâm niệm phải nghĩ những điều chưa ai dám làm, sau rất nhiều thử nghiệm với những phương pháp chưa ai dùng tới, tháng 4-2017, vOCS 3.0 đã thành công với những tính năng nổi trội. Sản phẩm này có dung lượng 24 triệu đầu số/site, đây là hệ thống OCS lớn nhất thế giới (dung lượng lớn nhất từng triển khai thành công trước đó là 12 triệu đầu số/site). Với vOCS 3.0, Viettel đã tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD chi phí đầu tư, chưa kể các phần vận hành sau này. Tuy nhiên, quan trọng nhất, với việc làm chủ hoàn toàn hệ thống tính cước, tất cả các chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ được Viettel triển khai nhanh hơn trước rất nhiều. Khi tiến mạnh ra nước ngoài, hệ thống này sẽ là một sự khác biệt lớn trong chiến lược kinh doanh của Viettel so với hàng ngàn nhà mạng khác trên thế giới.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Nhìn lại những gì đã qua, Trần Văn Thuyết chia sẻ giản dị rằng bí quyết đi đến thành công là phải yêu công việc của mình. "Hãy chăm chỉ và không được ngủ quên trên chiến thắng của mình. Luôn luôn phấn đấu và nỗ lực, chúng ta mới thực sự trưởng thành" - Thuyết nói.
Năm qua thật sự là một năm chăm chỉ và bận rộn của Trưởng phòng OCSCloud Trần Văn Thuyết. Anh cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành phát triển hoàn thiện các tính năng hệ thống vOCS 2.0 cho các thị trường Tanzania, Cameroon, triển khai hệ thống vOCS 2.0 thị trường Cameroon, đồng thời hoàn thành phát triển các module lõi hệ thống vOCS 3.0 đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật, sẵn sàng triển khai trong mạng lưới.
Trưởng phòng trẻ cũng cùng nhóm hoàn thành phát triển các thay đổi của hệ thống vOCS trên môi trường ảo hóa, đánh giá và tối ưu hiệu năng hệ thống vOCS ảo hóa, đồng thời chủ trì cắt chuyển thành công 90 triệu thuê bao di động từ hệ thống OCS Huawei sang vOCS 3.0 an toàn, bảo đảm dịch vụ của khách hàng. Vận hành khai thác hệ thống vOCS 3.0, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định. Để phát triển hệ thống dự án vOCS 3.0, với vai trò là trưởng nhóm, Thuyết trực tiếp thiết kế và phát triển các module lõi tính cước quan trọng của hệ thống, góp phần hoàn thiện hệ thống và triển khai thành công vOCS 3.0 tại thị trường Việt Nam. Hiện hai hệ thống vOCS 2.0, vOCS 3.0 đang được triển khai tại 7 thị trường Viettel đang đầu tư, đáp ứng và kinh doanh 140 triệu thuê bao.
Tạo sản phẩm giúp phụ nữ giải phóng sức lao động
Tháng 3-2019, trung úy Trần Văn Thuyết cũng được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018. Chia sẻ về quan điểm sống của mình, Trần Văn Thuyết cho hay điều anh tâm niệm, đó là nếu chưa làm được việc lớn, hãy làm việc nhỏ với niềm đam mê lớn.
Trong năm 2019, Trần Văn Thuyết muốn hoàn thành dự án hiện tại, xây dựng thành công phiên bản cao hơn của hệ thống hiện tại. Tuy nhiên, trong tương lai Thuyết muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nhà thông minh smarthome. Anh cho hay mình thích các sản phẩm smarthome hỗ trợ cuộc sống hằng ngày và mong muốn tạo ra các sản phẩm có thể giải phóng sức lao động của phụ nữ, giúp họ có nhiều thời gian chăm sóc con cái và xây dựng xã hội.
Bình luận (0)