xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị quyết 31 - "Chìa khóa vàng" (*): Cả nước chung tay với TP HCM

Nhóm Phóng viên

TP HCM nhận được sự đồng hành quan trọng, khi bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đều cam kết hỗ trợ, phối hợp thực hiện Nghị quyết 31

Để TP HCM phát huy tiềm năng, thế mạnh, đạt mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết 31 yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tạo những điều kiện vượt trội cao nhất có thể. Cùng với đó, các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ủy, thành ủy vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác phát triển với TP HCM.

Chính sách mới phải khả thi, hiệu quả

Là đơn vị chủ lực trong xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM để trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KĐ-ĐT) nhấn mạnh Nghị quyết 31 là cơ sở để bộ chủ trì, phối hợp với thành phố và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo này.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết dự thảo Nghị quyết được xây dựng với mục tiêu đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, góp phần xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đạt các mục tiêu mà Nghị quyết 31 đã đặt ra.

Nghị quyết 31 - Chìa khóa vàng (*): Cả nước chung tay với TP HCM - Ảnh 1.

Kết nối giao thông là vấn đề cốt lõi để kinh tế vùng “tứ giác” TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu phát triển. Ảnh: QUỐC ANH

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tận dụng lợi thế tiếp giáp và kết nối các tỉnh vùng ĐBSCL với TP HCM, thời gian qua công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt trên 10 tỉ USD với khoảng 1.160 dự án FDI đến từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Bộ KH-ĐT, bên cạnh các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 54 đã và đang thực hiện, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố thuộc thẩm quyền Quốc hội, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể. "Việc xây dựng cơ chế, chính sách không chỉ tạo điều kiện cho thành phố mà qua đó giúp thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt kinh tế cả nước phát triển" - Bộ KH-ĐT nêu rõ. Trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có 26 cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương, chưa có quy định tại các luật hiện hành nhưng có tính đột phá, tạo động lực phát triển cho TP HCM phù hợp với định hướng Nghị quyết 31.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở Nghị quyết 31, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 phải đưa ra các cơ chế, chính sách phải cụ thể, bảo đảm nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chủ trương của Đảng. Cùng với đó có cơ chế phân cấp, phân quyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thành phố với vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho đất nước. "Đồng thời, phải nghiên cứu thấu đáo, có tính đột phá, đổi mới, giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực, xung lực mới cho TP HCM phát triển. Nhất là các chính sách đưa ra phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kết nối đa phương thức

Nhiều địa phương giáp ranh, lân cận TP HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ, chung sức cùng thành phố trong thực hiện Nghị quyết 31.

Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của TP HCM, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết thời gian qua giữa Bình Dương và TP HCM đã phối hợp, hỗ trợ để 2 địa phương cùng phát triển cũng như có những đóng góp lớn cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Nguyễn Văn Lợi mong muốn TP HCM tiếp tục đồng hành cùng Bình Dương trong triển khai các dự án giao thông quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng cảng biển.

Tỉnh Bình Dương cũng thống nhất kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách phát triển TP HCM cũng như vùng để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức, gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt. Đặc biệt, ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương và trung tâm TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm ra vùng TP HCM, qua đó mở rộng các không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận TP HCM giữ vị trí trọng tâm, hạt nhân tác động đến sự phát triển không chỉ với vùng Đông Nam Bộ mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cả nước. "TP HCM phát triển sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung" - ông Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định.

Riêng với Tây Ninh, TP HCM đã hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông mời gọi thu hút đầu tư, kết nối quảng bá - xúc tiến du lịch, an sinh xã hội… Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh bày tỏ sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của TP HCM đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đặc biệt, Tây Ninh và TP HCM đang phối hợp chặt chẽ trong huy động nguồn lực, thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai dự án kết nối vùng rất quan trọng là cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, ngoài sự nỗ lực chung thì TP HCM có vai trò đặc biệt quan trọng; là trụ cột mang yếu tố quyết định.

"Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng TP HCM chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực, sớm đề xuất với Chính phủ hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, điều hành vùng đủ mạnh, rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Có như vậy TP HCM và vùng Đông Nam Bộ mới chủ động, sáng tạo, đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả liên kết vùng và thể hiện rõ vai trò đầu tàu kinh tế của TP HCM cũng như Đông Nam Bộ trong thời gian tới" - ông Nguyễn Thanh Ngọc gửi gắm.

Tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp

Việc TP HCM có Nghị quyết 31 không chỉ tạo động lực cho vùng Đông Nam Bộ mà còn nhận được sự hưởng ứng từ vùng ĐBSCL. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong liên kết vùng trong thời gian tới, tỉnh đặc biệt chú trọng việc tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ, nhất là TP HCM, tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh cho tỉnh Đồng Tháp và các địa phương liên kết hợp tác. Trong đó, tập trung phối hợp tổ chức ký kết và triển khai hiệu quả hợp tác giữa TP HCM và tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 trên các lĩnh vực: phát triển quy hoạch; cơ chế chính sách phát triển kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực; nông nghiệp; công nghiệp; du lịch; thu hút đầu tư; giao thông vận tải; hạ tầng; thông tin truyền thông; văn hóa, thể thao; y tế; giáo dục và đào tạo; khoa học - công nghệ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhìn nhận là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nhất là tiếp giáp với TP HCM, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp - logistics của vùng ĐBSCL. Nhất là khi Khu Kinh tế ven biển Long An sẽ có cảng nước sâu, gần các cảng biển của TP HCM, gần sân bay… nên được kỳ vọng sẽ trở thành điểm kết nối từ tam giác tài chính - kinh tế gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai với khu vực Tây Nam Bộ, qua đó phát triển và lan tỏa cho toàn khu vực, tạo tiền đề mở rộng hành lang kinh tế ven biển sang Tiền Giang, Bến Tre và tiến xuống các tỉnh cực Nam.

Chung sức thực hiện đường Vành đai 3

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết tỉnh đang cùng TP HCM thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, mang tính liên kết vùng, điển hình là dự án đường Vành đai 3. Tỉnh Đồng Nai xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị để bảo đảm tiến độ khởi công.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai vừa ký văn bản gửi UBND TP HCM góp ý phương án kết nối giao thông đường bộ xây dựng thêm 3 cây cầu để kết nối 2 địa phương, gồm: cầu kết nối giữa TP Thủ Đức với huyện Long Thành, cầu thay phà Cát Lái và cầu kết nối khu vực phía Nam TP HCM với huyện Nhơn Trạch.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo