Chiều 16-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí, thông tin về công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội phát biểu tại buổi thông tin báo chí chiều 16-6
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết trước mùa mưa bão, sở đã yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát, chú trọng cắt tỉa cây xanh có nguy cơ đổ, gãy. Việc rà soát, cắt tỉa cây có nguy cơ đổ, gãy phải làm thường xuyên. Ưu tiên cao nhất là xử lý các cây có nguy cơ đổ, gãy gây nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Đồng thời, xử lý kịp thời các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông.
Theo ông Thắng, trong mùa mưa bão, để chủ động khắc phục sớm hậu quả, Sở Xây dựng đã lên phương án khi có 1.000 cây đổ, gãy. Khi đó, việc thu dọn cây đổ phải xử lý nhanh và việc trồng thay thế sẽ được thực hiện trong 10 ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, công ty được thành phố giao quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành. Tuy nhiên tại 12 quận nội thành, Công ty công viên cây xanh cũng chỉ quản lý hệ thống cây xanh ở những đường phố có tên. Còn trong các khu đô thị, trường học, bệnh viện, khuôn viên cơ quan thuộc sở hữu của cơ quan chủ quản và phân cấp quản lý của UBND quận.
Với trường hợp thực tế khi cần kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong trường học, bệnh viện, khi muốn cơ quan chuyên môn kiểm tra sâu mục, cắt tỉa cây xanh thì cơ quan chủ sở hữu phải có đơn gửi đến công ty, căn cứ vào đơn, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, đưa ra biện pháp xử lý. Nhà trường, bệnh viện sẽ phải chi trả kinh phí cắt tỉa, chặt hạ cây xanh. "Khi các cơ quan trường học có đơn, có yêu cầu đến kiểm tra, đánh giá, cây nào cần kiểm tra, chặt hạ sẽ căn cứ vào đơn giá, định mức để thực hiện" - ông Hanh nói.
Liên quan đến việc "bắt bệnh" cho cây xanh bằng công nghệ, ông Nguyễn Xuân Hanh cho hay đơn vị sẽ nghiên cứu và tham khảo việc mua máy siêu âm để phát hiện bệnh tật của cây như tình trạng mục ruỗng, sâu bệnh. Tuy nhiên, trước mắt, việc "bắt bệnh" cho cây vẫn được thực hiện thủ công để phát hiện và xử lý những cây mục ruỗng, sâu bệnh.
Ông Hanh cho hay đơn vị được thành phố cho đi học ở Singapore và đã tiếp cận với máy siêu âm… Tuy nhiên, những nước có máy siêu âm này cũng chỉ dùng để bảo tồn cây cổ thụ, lâu năm. Máy này rất lớn, có giá thành cao. Hiện đơn vị đang tìm các nhà cung cấp.
Cũng theo ông Hanh, hiện nay do chưa có máy móc hiện đại nên chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm. Công ty có đội quân am hiểu về cây, kiểm tra cây sâu mục chủ yếu dựa vào quan sát hiện tượng bên ngoài, nếu có dấu hiệu nghi ngờ bên trong có vấn đề. Gõ vào thân nghe tiếng kêu thì cũng phát hiện được tương đối các cây bị bệnh.
Ông Hoàng Cao Thắng cho rằng ngoài việc quan sát trực quan bằng mắt thường, trên thế giới cũng nghiên cứu nhiều phương án như siêu âm thân cây có sâu mọt hay không, dùng máy scan để khám bộ rễ cây. Phương án nữa là khoan thăm dò để kiểm tra. Đề nghị thời gian tới Công ty Cây xanh Hà Nội cập nhật công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc.
Bình luận (0)