Nếu không phải là đánh giá do UBND TP Hà Nội đưa ra hẳn không ít người đã cho rằng đó là đùa vui của ai đó. Tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan hiệu quả Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, văn bản của chính quyền thành phố cho biết sau hơn 5 năm đi vào hoạt động (từ năm 2017 đến hết tháng 6-2022), buýt nhanh BRT đã mang lại những kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt. Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao.
"Chốt" lại, TP Hà Nội đánh giá buýt nhanh BRT có ưu điểm là giảm ùn tắc giao thông cá nhân ra vào nội đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội!
Có thể nói những đánh giá tích cực trên đây là khá bất ngờ. Bởi ngay trong kiến nghị, cử tri Hà Nội cũng cho rằng được triển khai nhằm giảm tải ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, nhưng sau 5 năm triển khai buýt nhanh BRT vẫn không đạt được kỳ vọng, nên đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án để từ đó có giải pháp khắc phục.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội hồi cuối tháng 6 năm nay đã đưa ra đề xuất khiến nhiều người khi đó ngỡ ngàng, đó là cho phép xe buýt thường, xe khách trên 24 chỗ và xe công vụ được lưu thông vào làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Đề xuất này được xem chẳng khác nào muốn biến buýt nhanh thành buýt thường, điều hoàn toàn đi ngược với mục tiêu ban đầu của dự án.
Lý do, theo cơ quan quản lý về giao thông vận tải của Hà Nội, là để… giảm ùn tắc giao thông. Bởi tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã là trục xuyên tâm, tập trung đông các phương tiện ra vào trung tâm làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh. Và đây cũng là tuyến giao thông xuyên tâm có nhiều "điểm đen" ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Vậy thời gian mới chỉ vài tháng mà buýt nhanh BRT đã có sự "chuyển mình" đột biến chăng?
Không có nhiều dữ liệu được đưa ra để minh chứng cho đánh giá "buýt nhanh BRT làm giảm ùn tắc giao thông, thúc phát triển kinh tế - xã hội". Ngay trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, chính quyền TP Hà Nội cũng đưa ra những số liệu, mới nhất cũng chỉ 6 tháng đầu năm 2022 đổ lại. Theo những số liệu này, sau hơn 5 năm thực hiện, tuyến buýt nhanh BRT vẫn chưa được như kỳ vọng ban đầu khi lượng khách tăng khá chậm chạp, bình quân hành khách đạt 40,1/lượt năm 2017, năm 2018 đạt 42,6/lượt; năm 2019 đạt 42,8/lượt. Bỏ qua 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách bình quân 6 tháng đầu năm 2022 cũng chỉ 45,5/lượt. Đến nay, TP Hà Nội vẫn phải trợ giá cho buýt nhanh, nói cách khác là bù lỗ.
Với đánh giá mới nhất về hiệu quả, xem ra buýt nhanh BRT còn tiếp tục lăn bánh, dù có những ý kiến chuyên gia cho rằng nên xem xét dừng để tránh tình trạng còn chạy còn lỗ.
Bình luận (0)