Lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất làm dấy lên những băn khoăn về hiệu quả của buýt nhanh, cơ quan quản lý về giao thông ở TP Hà Nội cho rằng là để giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, tuyến BRT 01 Yên Nghĩa - Kim Mã là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra vào khu vực trung tâm, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, đặc biệt tại các nút giao, làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh. Đây cũng là tuyến giao thông xuyên tâm có nhiều "điểm đen" ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Cách đây hơn 5 năm, tuyến buýt nhanh đầu tiên và duy nhất không chỉ của TP Hà Nội mà của cả nước được đưa vào thí điểm vận hành khai thác từ ngày 1-1-2017 với những ý kiến trái chiều. Cơ quan quản lý dẫn dữ liệu từ dự án trị giá 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay, đưa ra những "con số đẹp" như BRT 01 có thể vận chuyển 90 hành khách/chuyến, tốc độ xe di chuyển 20-22 km/giờ, đi từ đầu tuyến tới cuối tuyến dài 14,7 km trong khoảng 40 phút... Kỳ vọng quan trọng không kém là thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thế nhưng, ngay khi đó, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về hiệu quả thực sự của BRT, liệu có bảo đảm được các con số đẹp đẽ theo như dự án trong bối cảnh ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng ở Hà Nội. Không ít ý kiến cho rằng trong bối cảnh đường sá chật hẹp, có đoạn chỉ 2-3 làn, mà dành hẳn một làn cho buýt nhanh sẽ khiến ách tắc giao thông càng trầm trọng hơn.
Nay những số liệu thống kê cho thấy tuyến buýt nhanh không đạt được mục tiêu như kỳ vọng ban đầu. Sản lượng hành khách có tăng đều đặn trong giai đoạn 2017-2019 nhưng chỉ đạt hơn 5 triệu lượt. Hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản lượng hành khách chỉ ở con số hơn 5 triệu lượt. Điều quan trọng là buýt nhanh chưa cải thiện được bao nhiêu thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, quan trọng nhất là chưa giảm ách tắc giao thông trên tuyến đường mà nó vận hành, nếu không muốn nói là tình trạng này còn trầm trọng thêm.
Dừng hay tiếp tục vận hành tuyến BRT 01 là điều không hề dễ dàng, dù sao dự án này cũng đã được đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, là đồng tiền đi vay. Tuy nhiên, với việc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đề xuất cho buýt thường, xe khách trên 24 chỗ và xe công vụ vào đường vốn dành riêng cho buýt nhanh thì chẳng khác nào biến buýt nhanh thành... buýt thường!
Bình luận (0)