Bước đầu, Cơ quan CSĐT xác định bà Phạm Thị Hằng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa để nhà thầu này trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dùng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021, gây thiệt hại cho nhà nước.
Tỉnh Thanh Hóa còn khó khăn. Mỗi năm ngân sách trung ương phải hỗ trợ cả chục ngàn tỉ đồng để chi thường xuyên, đầu tư hạ tầng xã hội. Tuy vậy, địa phương này vẫn còn rất nhiều ngôi trường xập xệ, thiếu thốn đủ bề. Nhiều vùng sâu, vùng xa, học trò nghèo còn thiếu cả sách vở chứ nói gì đến thiết bị học tập hiện đại, trường lớp khang trang. Thế nhưng, có được nguồn vốn đầu tư cho học trò, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh này lại mưu mô trục lợi.
Cách đây khoảng 2 tuần, vào giữa tháng 6-2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố 15 đối tượng trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học. Trong số này có nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh; liên đới là hàng loạt công ty, từ thẩm định giá đến cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng…
Chúng ta ưu tiên đầu tư cho giáo dục nên những gói thầu xây dựng, cung ứng thiết bị dạy học của các tỉnh thường rất lớn, có khi lên đến cả ngàn tỉ đồng. Chỉ cần người có trách nhiệm bắt tay với nhà thầu để trục lợi thì sẽ bòn rút tiền tỉ từ ngân sách.
Điều ngạc nhiên là thủ tục đầu tư công trong giáo dục rất chặt chẽ, quy định về đấu thầu rất kỹ càng, hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật đầy đủ nhưng những vụ tham nhũng trong giáo dục vẫn luôn xảy ra. Điều này cho thấy lỗ hổng gây thất thoát ngân sách dành cho giáo dục không chỉ nằm riêng ở ngành này.
Giáo dục là ngành đặc biệt, có tác động sâu rộng đến toàn xã hội, tạo dựng một thế hệ mới đủ sức cạnh tranh với thế giới và quyết định đến sự thành bại của quốc gia. Bởi vậy, đầu tư cho giáo dục ở hầu hết các nước là một trong những nguồn đầu tư lớn nhất từ ngân sách. Bởi là nguồn đầu tư lớn nên cũng thu hút lắm kẻ bất lương, do đó vấn đề làm trong sạch bộ máy quản lý, minh bạch trong đầu tư và nghiêm khắc trong xử lý sai phạm luôn được đặt ra trong cả quá trình phát triển ngành giáo dục của các quốc gia.
Nhưng tham nhũng trong giáo dục không chỉ dừng lại ở việc vi phạm trong mua sắm thiết bị, mà còn hiện diện trong đấu thầu xây dựng cơ sở vật chất; hối lộ để lấy bằng cấp, thành tích; nâng điểm ở các kỳ thi, thu tiền trái quy định và cả lạm thu tiền trường, bớt xén chế độ của giáo viên…
Tất cả những vấn đề trên đều trực tiếp hay gián tiếp làm hạ thấp chất lượng giáo dục. Có thể nói, tham nhũng trong giáo dục chính là "ngoạm" vào tương lai của thế hệ trẻ.
Bình luận (0)