Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) từ lâu là nơi nghỉ dưỡng của du khách. Nơi đây, ngoài những khu resort còn có rất nhiều quán xá, nhà hàng san sát ven biển và đầm Lập An. Nếu ghé vào nhà hàng bất kỳ nào ở đây, du khách sẽ thấy những mô hình có gắn dòng chữ "Ngôi nhà xanh - Tiếp sức đến trường" với mái che, lưới chắn để thu gom chai đựng nước, vỏ lon bia.
Mô hình ngôi nhà xanh đang được nhân rộng
Người "khai sinh" mô hình này là thiếu tá Hoàng Văn Dũng, trợ lý Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi anh công tác tại Đồn Biên phòng Lăng Cô. Thiếu tá Dũng kể mô hình này chỉ sau 1 năm hình thành đã được nhân rộng trên 2 tuyến biên giới biển và đất liền, triển khai ở 10 đơn vị trực thuộc. Hiện có tổng cộng 51 ngôi nhà như thế, thu gom hàng chục ngàn vỏ lon, chai nhựa và rác thải có thể tái chế. Ngoài thu gom rác thải, mô hình còn giáo dục ý thức bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân, học sinh, khách du lịch. Đặc biệt, mô hình đã tổ chức 8 đợt tặng quà với hàng trăm suất, 15 xe đạp cho học sinh nghèo tại khu vực biên giới với tổng số gần 60 triệu đồng.
"Mô hình đã vươn xa, không dừng lại ở quy mô cấp đồn nữa. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng thành tích học tập tốt sẽ được giúp đỡ để tiếp tục ước mơ của mình" - thiếu tá Dũng chia sẻ.
Cách đây hơn 1 năm, khi đến nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Lăng Cô với chức vụ chính trị viên - phó đồn, thiếu tá Dũng thấy có mô hình này đặt trong đơn vị để thu gom ve chai. Ý tưởng lóe lên trong anh là tại sao không đưa "ngôi nhà" này đặt ở các quán nhậu, nhà hàng để có thể thu gom được nhiều hơn, giúp được nhiều học sinh hơn.
Thiếu tá Dũng đề xuất và được chỉ huy đồng ý. Vậy là anh cùng đồng đội đến một số gia đình, công trường xin các phần sắt họ vứt bỏ rồi tự cắt, hàn để làm ngôi nhà xanh rồi tới các nhà hàng, quán nhậu xin được đặt đấy để gom lon bia, chai nhựa. "Chúng tôi giải thích với chủ quán nhiều lắm nhưng ban đầu, nhiều người từ chối vì để bán vỏ lon bia nhằm trang trải chi phí điện, nước, cải thiện thu nhập cho nhân viên hoặc có thể do chưa tin tưởng vào chương trình của chúng tôi. Nay thì mọi chuyện khác rồi" - thiếu tá Dũng kể.
Không chỉ xin vỏ lon bia ở quán, nhà hàng, thiếu tá Dũng cùng đồng đội thường có những chuyến công tác ra các đảo Sơn Chà, Bãi Chuối kết hợp thu gom ve chai từ du khách.
"Qua mô hình này, chúng tôi còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ bằng tiền mặt của các nhà hảo tâm để giúp học sinh. Điều quan trọng nữa là góp chút sức mình trong việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho học sinh hiểu được ý nghĩa để cố gắng học tập" - thiếu tá Dũng chia sẻ.
Bình luận (0)