Mới hơn 6 giờ sáng, cái nắng giữa hè tại biển Mũi Né – Bình Thuận đã bắt đầu gay gắt. Dù oai bức nhưng khung cảnh tại bãi sau Mũi Né hết sức nhộn nhịp với các chuyến thúng vận chuyển cá từ thuyền vào bờ.
Vận chuyển cá cơm từ thuyền lên xe tải tại bãi sau Mũi Né, tỉnh Bình Thuận
Ngư dân Trần Văn Đạt, chuyên đánh cá cơm, đang cùng các bạn thuyền dời gần 1 tấn cá cơm vào bờ. Bên trong, thương lái cùng xe vận chuyển đang chờ sẵn. Ông Đạt cho biết gần 10 ngày qua, cá cơm áp lộng nhiều trên khắp vùng biển Mũi Né nên không chỉ ông mà nhiều thuyền bạn cũng được mùa. "Đây là chuyến thứ 3 trong mùa nam rồi. Hai chuyến trước, chuyến nào cũng 7 - 8 tạ. Nói chung là cá năm nay đánh được lắm, cá to, thương lái rất thích" – ông Đạt chia sẻ niềm vui.
Ngư dân Đạt dời cá cơm từ thúng lên bờ
Năm nay, mùa cá cơm tại ngư trường Phan Thiết – Bình Thuận và vùng biển khu vực phía Nam bắt đầu rộ từ thời điểm đầu tháng 6, với sản lượng khá cao. Sản lượng khai thác cá cơm đến thời điểm này của ngư dân phường Mũi Né và TP Phan Thiết nhìn chung tăng mạnh so với vụ cá những năm trước.
Cá cơm được thương lái đón mua ngay khi vừa lên bờ
Khung cảnh nhộn nhịp tại bãi sau Mũi Né
Cá sau khi thu mua được xe tải chở thẳng về lò hấp, cơ sở muối mắm
Sản lượng khai thác cao, giá thu mua cá cơm năm nay lại khá ổn định. Tại phường Mũi Né, mỗi giỏ cá cơm (25 ký) được thương lái thu mua trên dưới 250.000 đồng. Riêng cá ngon, kích cỡ lớn, tươi dùng để sấy khô thì có nơi thu mua gần 300.000 đồng/ giỏ.
Cá cơm loại 1 được bán với giá 300.000 đồng/giỏ để sấy khô
Vùng biển Phan Thiết có đến 3 loại cá cơm phổ biến, gồm: cá cơm sọc trắng, cá cơm sọc đen và cá cơm mồm. Trong đó, cá cơm mồm sau khi sấy khô có giá bán trên 200.000 đồng/ký. Trong ảnh: Cá cơm sọc trắng vừa đánh bắt tại Mũi Né
Không chỉ được sấy khô xuất khẩu, cá cơm tại Bình Thuận còn là nguyên liệu chính để muối nước mắm. Nghề làm nước mắm cá cơm ở Bình Thuận có lịch sử phát triển hơn 2 thế kỷ và sản phẩm đã có mặt hầu như khắp mọi miền Tổ quốc.
Sau khi vận chuyển từ biển về, cá cơm được trộn tỉ lệ nhất định với muối hạt và cho vào lu (khạp) để muối mắm
Ngoài muối nước mắm, cá cơm loại 1 dùng để hấp, sau đó phơi và sấy khô để xuất khẩu
Được mùa khai thác, giá bán ổn định giúp bà con ngư dân phấn khởi, đẩy mạnh ra khơi khai thác trong những chuyến biến tiếp theo.
Ngư dân Mũi Né bốc đá từ bờ lên thúng để chở ra thuyền, chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo
Bình luận (0)