Phóng viên: Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Thủy sản có kế hoạch gì để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, thưa ông?
- Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN: Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 đã khái quát hóa quan điểm phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, hiện đại hóa quản lý nguồn lợi thủy sản và hoạt động của đội tàu khai thác, hoàn chỉnh đầu tư dịch vụ hạ tầng cơ sở nghề cá tại các vùng tập trung ngư trường, hải đảo của Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 1-3-2021 và đặt ngành thủy sản trong hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp với không gian rộng mở hơn.
Tổng cục Thủy sản đã và đang tham mưu xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án và triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chuyển từ tư duy sản xuất nghề cá nhân dân sang tư duy nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Cán bộ biên phòng ở tỉnh Quảng Ngãi nhắc nhở tàu cá tuân thủ quy định đánh bắt trước khi ra khơi. Ảnh: TỬ TRỰC
Ngành khai thác thủy sản sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột: ngư trường trù phú, đội tàu thông minh, cảng cá hiện đại để nâng cao giá trị và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2022 phê duyệt đồng bộ các chính sách, đề án, chương trình bảo đảm ngành khai thác thủy sản phát triển đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược.
Ngoài ra, bộ cũng đang hoàn thiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050…
4 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU (chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định). Sắp tới cần những giải pháp nào để sớm gỡ "thẻ vàng"?
- EC đã đánh giá cao và ghi nhận những cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU, như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài tại một số địa phương; phía EC khẳng định không gỡ "thẻ vàng" nếu còn trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với số vụ việc vi phạm; đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày…
Để sớm tháo gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC, Tổng cục Thủy sản sẽ tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện khẩn trương các khuyến nghị của EC. Cùng với đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Rà soát lại việc tổ chức thực hiện Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng của FAO một cách hiệu quả theo khuyến nghị của EC.
Thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng"; nhất là tập trung các biện pháp để kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn tàu cá các địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cường đăng ký và cấp giấy phép khai thác, vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình và kiểm soát thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam.
PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam:
Không để ngư dân đơn độc
Để phục vụ tốt đợt kiểm tra tới của EC, chúng ta cần báo cáo trung thực những kết quả thực tế vừa qua, tập trung vào mức độ tuân thủ các quy định về IUU của EC. Trước mắt, nghiêm cấm đánh bắt IUU ở nước ngoài, tăng nặng hình phạt; chỉ thị quy định chuẩn về mức phạt và yêu cầu bắt buộc các địa phương ven biển phải thực hiện như nhau; tổng kết những mô hình tổ chức thực hiện tốt ngăn ngừa IUU ở một số địa phương đã "nói không với IUU"; tiếp tục hướng dẫn và giám sát chặt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt và nên báo cáo minh bạch số lượng, nguyên nhân của các tàu đánh cá chưa lắp thiết bị hướng dẫn hành trình trên biển,...
Để hỗ trợ ngư dân trước hết không thể để mặc ngư dân đơn độc tự xoay xở. Cùng với việc ngăn chặn ngư dân đánh bắt IUU, hơn lúc nào hết công tác tái tạo, phục hồi, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng đặc biệt. Việc này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan và cả ngư dân.
Tập trung giải quyết đồng bộ 3 vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường sẽ góp phần tăng cường thế và lực để nghề cá nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững được thị phần xuất khẩu và cải thiện được sinh kế của các cộng đồng ngư dân; giúp ngư dân yên tâm bám biển và giảm thiểu các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp trong bối cảnh có các lợi ích đan xen và phức tạp ở biển Đông.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-2
Bình luận (0)