Luôn tâm niệm "Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại", nên cho đến nay, ông Huỳnh Khắc Nam (55 tuổi; ngụ ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã có tổng cộng 42 lần hiến máu cứu người, đạt kỷ lục ở vùng đất Sen hồng Đồng Tháp.
Ông Huỳnh Khắc Nam xem lại 42 giấy Chứng nhận hiến máu tình nguyện
Mặc dù, tuổi tác không được khỏe như những thanh niên khác nhưng ông Nam vẫn luôn thể hiện tinh thần chia sẻ từng giọt máu hồng cứu người cho đến 60 tuổi mới ngừng hiến máu tình nguyện theo quy định. Ông Nam thật sự xứng danh là "anh hùng của người bệnh".
Người đảng viên gương mẫu
Trước đây, ông Nam là giáo viên dạy cấp tiểu học. Năm 1993, ông xin nghỉ việc do chế độ lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Sau đó, ông mua chiếc ghe để đi khắp nơi thu mua lúa bán lại. Đến năm 2008, ông dừng làm thương lái mua lúa, bắt đầu tham gia công tác từ thiện ở địa phương.
Nhờ tính nhiệt tình, có uy tín ở địa phương nên năm 2009, ông được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định An được gần 10 năm. Năm 2017, do gia đình đơn chiếc, ông xin nghỉ việc để thuận tiện cho việc chăm sóc ba mẹ lớn tuổi, bị bệnh, và làm mấy công đất ruộng của gia đình.
Được tôn vinh, khen thưởng giúp ông Huỳnh Khắc Nam có thêm động lực làm việc thiện
Ông Nam linh hoạt trong việc sắp xếp công việc của gia đình sao cho hợp lý để dành nhiều thời gian tham gia vào Tổ Cất nhà tình thương ở xã Định An. Ông cùng với các thành viên trong Tổ Cất nhà tình thương đi cất nhà cho người dân ở địa phương và khắp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Ông Huỳnh Phú Quán, Tổ phó Tổ Cất nhà tình thương, cho biết: "Thời gian đầu, mới thành tập Tổ Cất nhà tình thương, ông Nam tham gia đóng góp ngày công lao động. Bây giờ, có đợt cất nhà với số lượng nhiều sẽ liên hệ với ông tham gia làm thợ hàn sắt". Có khi, thời gian rảnh ông Nam đến các bếp ăn từ thiện của các bệnh viện để phục vụ công việc phát cơm, cháo, nước nóng miễn phí cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh.
Bận bịu rất nhiều công việc nhưng với vai trò của người đảng viên, ông Nam chấp hành nghiêm việc sinh hoạt chi bộ định kỳ, đồng thời nắm vững các chỉ thị, nghị quyết để tham gia sinh hoạt Chi bộ ấp An Ninh, và mạnh dạn phát biểu đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển địa phương. Ngoài ra, mỗi khi địa phương có chủ trương xây dựng cầu, đường thì người đảng viên này nhiệt tình tham gia đóng góp ngày công lao động để các công trình dân sinh sớm hoàn thành.
Trong sinh hoạt chi bộ, ông Nam tham gia kể chuyện về Bác Hồ theo tinh thần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. "Tôi học ở đức tính của Bác Hồ về tinh thần cần, kiệm. Bản thân cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương, giúp người dân, đó cũng là cách học theo gương Bác. Tôi nghĩ, học tập và làm theo gương Bác Hồ đừng nghĩ đến những việc quá to tát, mà hãy làm những việc có ích cho xã hội, cho người dân bằng những việc làm phù hợp với điều kiện của bản thân", ông Nam chia sẻ.
Ông Nam cho biết có lần được mời ra Hà Nội dự lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc nhưng ông không đi dự. Ông khiêm tốn nêu lý do: "Nhận được thư mời, tôi muốn đi ra Hà Nội tham dự cho biết thủ đô, nhưng quyết định ở lại nhà để đi làm từ thiện, và góp phần tiết kiệm chi phí cho cá nhân, ngân sách cho nhà nước. Tôi ở nhà nhận kỷ niệm chương, bằng khen do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện gửi về sau. Vậy là vui lắm rồi".
Tấm gương thiện nghĩa
Ông Nam có nhóm máu A và tham gia Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của Bệnh viện Đa khoa huyện Lấp Vò. Khi bệnh nhân có nhu cầu cần máu gấp thì bệnh viện điện thoại là ông có mặt liền, không từ chối bất kỳ thời gian nào, kể cả đêm khuya. "Có lần, bệnh viện gọi điện gần 12 giờ khuya thông báo có người cần nhóm máu A gấp, tôi liền lấy xe máy chạy nhanh đến bệnh viện để kịp thời cứu sống bệnh nhân. Tôi xác định có tấm lòng làm từ thiện thì không thể từ chối, hiến máu cứu sống người là trên hết", ông Nam nhớ lại lần hiến máu vào đêm khuya.
Đến nay, ông Nam có tổng cộng 42 lần tham gia hiến máu cứu người. Câu chuyện hiến máu nhân đạo đối với ông rất tình cờ và nên duyên. Ông kể, lần đầu hiến máu khi đang nuôi người thân ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp. Thời điểm ấy, ông thấy người bệnh đang cần máu gấp để giữ lại mạng sống. Thấy vậy, ông tự nguyện đến trao đổi với người thân của bệnh nhân xin được hiến máu tình nguyện. "Lúc đó, tôi thấy người bệnh cận kề với cái chết nên đâu sợ hiến máu nguy hiểm đến tính mạng. Cảm giác lần đầu hiến máu thấy sợ lắm nhưng tôi nghĩ để người đó chết sẽ hối hận vô cùng!", ông Nam nhớ lại cảm giác lần đầu hiến máu cứu người.
Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm việc thiện nghĩa của ông Huỳnh Khắc Nam là những thành tích cao quý
Lần đầu, trong cuộc đời tham gia hiến máu trong lòng ông Nam có cảm giác lo sợ cho sức khỏe. Nhưng, qua nhiều lần tích cực hiến máu tình nguyện với thông điệp "Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại", ông trở nên "nghiện" với công việc cho máu thường xuyên 4 lần/năm. "Sau vài lần hiến máu cứu người, tôi có cảm giác sức khỏe rất bình thường, không còn cảm thấy lo sợ nữa. Giờ, không tham gia hiến máu là tôi thấy khó chịu trong người", ông Nam nói bằng chất giọng sang sảng. Rồi ông chia sẻ tiếp: "Mỗi lần cho máu, sau đó cảm giác cơ thể rất khỏe bởi mỗi lần hiến máu nhân đạo như được đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì qua khám sàn lọc của bác sĩ trước khi lấy máu sẵn biết cơ thể có bị bệnh hay không. Tôi thấy, việc cho máu để sản sinh ra lượng máu mới, tốt cho sức khỏe".
Tính về độ tuổi quy định hiến máu tình nguyện, ông Nam còn 5 năm để tiếp tục tham gia cho máu cứu người. Đến từng tuổi này, thay vì ông ngừng tham gia hiến máu nhưng phấn đấu thực hiện thêm 5 năm nữa. "Sắp tới, tôi kêu vợ và 2 đứa con cùng tham gia hiến máu để thực hiện tốt phong trào gia đình gương mẫu hiến máu vì cộng đồng", ông Nam quả quyết.
Thời gian ông Nam còn giữ cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định An, ông đi "gõ cửa" từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân trong xã tham gia hiến máu nhân đạo đạt chỉ tiêu, và địa phương trở thành "lá cờ đầu" trong phong trào hiến máu của huyện Lấp Vò với chỉ tiêu cấp trên giao 60 đơn vị máu/năm.
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định An, cho biết: "Mặc dù, bận bịu nhiều công việc gia đình nhưng ông Nam vẫn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương mỗi khi có phát động, nhất là việc tham gia cất nhà tình thương, xây dựng cầu, đường nông thôn. Đặc biệt, tinh thần hiến máu tình nguyện của ông đã giúp cho xã Định An đạt và vượt chỉ tiêu hiến máu cấp trên giao".
Có lẽ, niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm việc thiện nghĩa của ông Nam là những thành tích được biểu dương, khen thưởng từ cấp xã đến trung ương được treo trang trọng trên vách nhà. Có những tấm bằng khen đã nhuộm màu thời gian nhưng ông vẫn bảo quản một cách trang trọng. Tôi nghĩ, đó là niềm động viên rất lớn để ông tiếp tục tham gia công tác xã hội. Tinh thần thiện nguyện giúp xã hội của ông được nhiều người dân địa phương biết đến, quý trọng. Một ngày trời mưa suốt, tôi chạy xe máy từ TP Cao Lãnh đến xã Định An hỏi về ông Nam có số lần hiến máu cứu người cao nhất tỉnh Đồng Tháp thì ai ai cũng biết và tỏ ra ngưỡng mộ. "Ông Nam làm từ thiện, có hơn 40 lần hiếu máu nhân đạo phải không? Anh chạy xe qua khỏi chợ Định An, rồi chạy qua 3 cây cầu, sau đó rẽ tay trái vào con đường đan, tiếp tục chạy thẳng khi nào tới cua quẹo là tới nhà ông Nam", anh Lê Văn Tuấn - tiểu thương ở chợ Định An hỏi ngược lại tôi và chỉ tay hướng dẫn đường đến nhà ông Nam.
Ông Thái Minh Tân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lấp Vò, nhận xét: "Đồng chí Huỳnh Khắc Nam là một đảng viên lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, đồng chí luôn thể hiện trách nhiệm nêu gương trên nhiều lĩnh vực từ thiện. Đặc biệt, hiện nay, đồng chí đang là "quán quân" của tỉnh Đồng Tháp hiến máu tình nguyện 42 lần, mỗi lần hiến máu là 350ml. Từ thành tích của cá nhân đồng chí đã tác động và thúc đẩy phong trào hiến máu của xã Định An nói riêng và huyện Lấp Vò nói chung nhiều năm liên tục đạt và vượt chỉ tiêu hiến máu được giao".
Vĩ thanh
Trong xã hội hôm nay, có được người giàu lòng thiện nguyện vì cuộc sống cộng đồng như ông Huỳnh Khắc Nam thì rất đáng được tán dương, khen ngợi. Ông xứng đáng là gương sáng luôn sống cống hiến bằng những việc làm cụ thể, thiết thực mà không hề nghĩ đến công lao, thành tích; chỉ xem công việc từ thiện như niềm vui trong cuộc sống.
Ngồi trò chuyện với ông trong căn nhà khi trời bên ngoài cứ trút nước mưa không ngừng. Tôi cảm thấy lòng se lạnh nhưng thấy ấm áp khi tiếp xúc với một người rất bình dị mà có sức lan tỏa trong xã hội. Tôi chờ tạnh mưa để ra về, mắt không quên nhìn lên vách nhà treo nhiều thành tích mà "anh hùng của người bệnh" đạt được, khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Và, tôi bất chợt nhớ đến lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"!
Bình luận (0)