Lạ hơn, anh Kim Thái chính là một trong những người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển công chức tỉnh Sóc Trăng năm 2017, vượt qua hàng trăm người khác, trong đó có không ít người đang làm việc trong bộ máy công quyền của tỉnh này. Kết quả này cũng xứng đáng bởi anh vừa bán vé số vừa học chương trình cử nhân luật; học phụ đạo thêm ngoại ngữ, tin học.
Cũng trong thời gian này, UBND tỉnh Thanh Hóa đang xử lý sai phạm trong việc tuyển dụng và bổ nhiệm hơn 20 cán bộ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những cán bộ này không đủ chuẩn nhưng vẫn được bố trí vào các vị trí quan trọng của sở. Cũng tại Thanh Hóa, vụ "nâng đỡ không trong sáng" bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng đã làm hàng loạt quan chức bị kỷ luật. Từ vụ này, các cơ quan chức năng cũng phăng ra hơn 50 trường hợp bổ nhiệm sai. Tại nhiều địa phương khác, hàng trăm trường hợp công chức thiếu năng lực được cất nhắc cũng được phanh phui...
Thật ra, cán bộ thiếu năng lực, thiếu chuẩn nằm trong bộ máy nhà nước đầy rẫy, nơi nào cũng có. Con số 30% cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" đã phản ánh được tất thảy. Việc còn lại là làm sao đưa những người này ra khỏi bộ máy nhà nước để không còn ăn bám vào nguồn ngân sách vốn hạn hẹp.
Đây là bài toán nan giải mà Chính phủ đặt ra nhiều năm qua nhưng đến nay, kết quả còn rất thấp. Một vị trí trong bộ máy nhà nước không hề đơn giản chỉ là một công việc. Xung quanh nó là bao quyền lợi liên quan không thể nói rõ. Nhiều mối quan hệ phức tạp trong việc đề bạt, đặt để từng vị trí làm việc. Từng cấp độ quản lý nó có "giá" riêng, vây cánh riêng và thâu tóm quyền lực riêng. Bởi vậy, một người không dây mơ rễ má gì từ bên ngoài bước vào cơ quan nhà nước là không hề dễ dàng.
Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều cách làm được đưa ra như thi tuyển công chức, thi tuyển các chức danh quản lý, khảo thí năng lực cán bộ… nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng cho mọi người. Thế nhưng, không ít nơi đã vô hiệu hóa những biện pháp này khá dễ dàng. Khi cán bộ lãnh đạo nơi nào đó dọn đường cho con cháu vào vị trí "đẹp" thì còn ai dám cạnh tranh! Thi tuyển nhưng không bố trí việc làm tương ứng thì kêu ca vào đâu được. Tổ chức thi nhưng toàn "anh em ruột rà với nhau" thì tìm đâu ra người giỏi. Minh chứng cho thực trạng trên không khó. Tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, cả họ hàng bí thư huyện ủy nắm giữ hầu hết các vị trí quan trọng của huyện. Còn người nhà của Bí thư huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thì cũng "phấn đấu" nắm giữ phần lớn chức vụ quan trọng của huyện này.
Người dân không cần gì nhiều ở cán bộ, công chức. Hãy sòng phẳng, thành thật và chịu khó học hỏi làm việc bằng chính sự nỗ lực của bản thân như anh Kim Thái là tốt rồi. Còn nếu không làm được vậy thì hãy biết xấu hổ, bởi người dân chẳng giàu có gì để nuôi mãi người vô năng.
Bình luận (0)