Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đỗ Văn Đạo cho biết UBND TP vừa phê duyệt Đề án thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2018-2022.
Phóng viên: TP HCM đang cần nhân tài trong lĩnh vực nào, thưa ông?
- Ông Đỗ Văn Đạo: Mục tiêu của đề án là xây dựng chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài. Cụ thể là thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học đã được đào tạo, rèn luyện trong các môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm, quản lý nhà nước về các điểm nóng, vấn đề bức xúc của xã hội.
Vậy TP sẽ triển khai đề án này cụ thể như thế nào để có được người tài thực sự?
- Đầu tiên TP xác định lĩnh vực thu hút và "đặt hàng" công trình nghiên cứu. Sở, ban, ngành sẽ đề xuất các chương trình, dự án, đề án, công trình để tham mưu UBND TP "đặt hàng", "ra đề bài" và công khai danh mục các lĩnh vực, chương trình, dự án, đề tài… mà TP đang có nhu cầu thu hút chuyên gia, nhà khoa học. Việc đề xuất này phải dựa trên đánh giá và phân tích chính xác về điều kiện, nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của TP.
Sau đó, Hội đồng Khoa học do UBND TP thành lập sẽ thẩm định và tư vấn, đề xuất UBND TP về sự cần thiết, chỉ tiêu và yêu cầu cụ thể đối với từng vị trí cần thu hút chuyên gia, nhà khoa học theo đề xuất của các cơ quan, đơn vị. Từ các bước chuẩn bị sẽ lên kế hoạch tuyển chọn. Kế đến là đăng công khai thông báo tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học bằng tiếng Việt và tiếng Anh ít nhất 3 lần liên tiếp trên 3 phương tiện thông tin đại chúng gồm báo viết, báo nói, báo hình của trung ương hoặc TP; đồng thời đăng trên trang thông tin điện tử của TP và các cơ quan, đơn vị. Trình tự thực hiện các bước của quy trình tuyển chọn sẽ bảo đảm công khai, hiệu quả và giảm thiểu thời gian chờ đợi của chuyên gia.
Để tìm nhân tài, TP HCM sẽ ra "đầu bài" và kiểm tra tiến độ thực hiện một cách gắt gao Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ bên cạnh chính sách lương bổng, cái họ cần nhất chính là môi trường làm việc?
- Khi làm đề án TP tính chuyện này rất kỹ. TP sẽ xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, tăng cường dân chủ, tiếp thu các ý kiến xác đáng của chuyên gia, nhà khoa học; tạo mọi điều kiện cho họ tiếp cận, khai thác thông tin, tài liệu chuyên ngành phục vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Việc thu hút bằng đề án, dự án cũng nhằm mục đích tạo môi trường làm việc thoải mái, linh động về mặt thời gian cho họ. Kể cả những trường hợp đang ký hợp đồng lao động với các tổ chức, cá nhân theo dự án khác vẫn được tham dự nếu các điều khoản của hợp đồng lao động đang ký kết không mâu thuẫn với các yêu cầu của việc tuyển chọn và thuê chuyên gia theo đề án. Họ không bị ràng buộc phải đến cơ quan, đơn vị 8 giờ hành chính mỗi ngày, miễn sao họ hoàn thành công việc đúng thời gian quy định. Nói thế không phải các chuyên gia, nhà khoa học muốn làm gì thì làm.
Định kỳ 3 tháng, cơ quan, đơn vị sử dụng chuyên gia, nhà khoa học sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, thẩm định tiến độ hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết, chất lượng các công trình nghiên cứu do các chuyên gia thực hiện. Đánh giá, thẩm định này gửi về UBND TP để theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc.
Năm 2014, TP từng có chính sách trả lương lên tới 150 triệu đồng/tháng cho chuyên gia, nhà khoa học, thế nhưng chưa đạt được kết quả đột phá. Nguyên nhân do đâu và TP sẽ khắc phục câu chuyện này như thế nào khi thực hiện đề án này?
- Đúng vậy. Khi thực hiện chính sách trên, trong 4 năm (2014-2017), TP chỉ thu hút được 15 chuyên gia. Đến nay còn lại khoảng 10 trường hợp đang công tác. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dù đã cao hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín. Một số yêu cầu còn bất cập với thực tiễn như quy định chuyên gia "không bị ràng buộc về công việc, pháp lý đối với một tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước" khiến cho nhiều người e ngại và hạn chế hợp tác với TP… Do đó, khi soạn thảo đề án này, các đơn vị cố gắng làm sao khắc phục được những vấn đề còn để việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học được thực hiện một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Ngoài ra, UBND TP sẽ tổ chức hội nghị giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo TP với các chuyên gia, nhà khoa học ít nhất 1 lần/năm để lắng nghe. Các đơn vị trực tiếp sử dụng nhân tài định kỳ tổ chức đối thoại để đề xuất UBND TP về các vấn đề và chính sách liên quan. Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành và kết quả tổng hợp từ các hội nghị đối thoại, UBND TP sẽ xem xét, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của TP về thu hút.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng họ sợ cơ chế "con ông cháu cha", vậy TP sẽ làm gì để bảo đảm minh bạch trong thu hút nhân tài?
- Như tôi đã nói, các vấn đề mà TP "đặt hàng" đều sẽ công khai trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ thế, điều kiện, tiêu chuẩn cũng được công khai. Ai đủ thì mới được tham gia. Ngoài ra, còn có một Hội đồng Khoa học của TP thẩm đinh. Nếu một hoặc hai người anh có thể quen biết được chứ cả một hội đồng nhiều người thì dù "con ông cháu cha" mấy đi nữa cũng không được nếu không có năng lực thật sự. Với lại, cứ 3 tháng là đánh giá, thẩm định tiến độ công việc một lần, anh làm được hay không là biết ngay.
TP HCM sẽ xây dựng các giải thưởng tôn vinh riêng cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có thành tích tiêu biểu, có đóng góp lớn cho sự phát triển của TP.
Chuyên gia, nhà khoa học cần tiêu chuẩn gì?
Để tham gia, chuyên gia, nhà khoa học phải có lý lịch rõ ràng. Nếu có quốc tịch nước ngoài thì không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập cảnh theo quy định pháp luật Việt Nam; không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Sở Khoa học và Công nghệ thay mặt UBND TP và Hội đồng Khoa học của TP tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các ứng viên.
Bình luận (0)