xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người trẻ không ngại nhảy việc

ANH VŨ

Lớn lên trong thời đại công nghệ, chưa quá áp lực về tài chính, thích trải nghiệm, nhiều gen Z không ngại nhảy việc, tìm hướng phát triển mới

Theo kết quả khảo sát mới đây của Anphabe, 62% bạn trẻ từ 19-24 tuổi nhảy việc ngay năm đầu tiên, thậm chí vài lần mỗi năm. Một khảo sát của Deloitte Global năm 2022 cho thấy 40% người gen Z muốn rời bỏ công việc trong vòng 2 năm qua, với khoảng 46% tiết lộ cảm thấy kiệt sức do môi trường làm việc.

Đủ lý do

Tốt nghiệp năm 2021, đến nay, Võ Gia Hân (23 tuổi) đã chuyển 3 công ty. Cô cho biết lý do là vì công việc content creative (sáng tạo nội dung) trong môi trường không còn "sáng tạo" thì sản phẩm dễ trở nên nhàm chán, vô vị.

"Khi còn là sinh viên, tôi đã thử nhiều vị trí như cộng tác viên, thực tập sinh về nội dung, thương hiệu… nhưng khi đi làm chính thức vẫn không hài lòng. Tôi quyết định rời đi để học hỏi, trải nghiệm và cống hiến" - Gia Hân giải thích.

Theo Gia Hân, chuyện nhảy việc của giới trẻ, nhất là người mới ra trường, khá dễ hiểu. Vấn đề có thể nằm ở công việc, môi trường và văn hóa công sở hoặc chính bản thân người đó. Cô tâm sự: "Tôi không nghĩ nhảy việc là cách tốt để cải thiện môi trường hay tích lũy kinh nghiệm. Nhưng nếu môi trường gây cản trở động lực làm việc thì liệu có thoải mái?".

Trong khi đó, Phạm Thị Huỳnh Như (26 tuổi) cho rằng mức lương, phúc lợi, cơ hội thăng tiến và đồng nghiệp thân thiện là những thứ mà nhân viên quan tâm. Song, cô sẽ không từ bỏ khi công ty gặp khó khăn mà chỉ chuyển nơi làm việc khi định hướng phát triển của bản thân không còn phù hợp.

Người trẻ không ngại nhảy việc - Ảnh 1.

Hoàng Văn Chính, Huỳnh Như, Gia Hân mong được trải nghiệm và cống hiến nhiều hơn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Huỳnh Như bày tỏ: "Nhân viên gắn bó với công ty khi đôi bên win - win (cùng có lợi). Nhân viên đạt hiệu suất cao, còn công ty bảo đảm thu nhập, cơ hội thăng tiến theo năng lực. Thay vì nghĩ chuyển việc là khó khăn, khiến nhà tuyển dụng ác cảm, hãy nhìn nhận rằng trong giai đoạn đó mình đã làm được những gì, trưởng thành ra sao và đóng góp gì cho công ty".

Hoàng Văn Chính (24 tuổi) đã "nhảy" 4 công ty vì môi trường làm việc tiêu cực, đồng nghiệp không hỗ trợ và chế độ, chính sách không bảo đảm. Anh cho biết chưa có định hướng chắc chắn về sự nghiệp nên lựa chọn làm nhiều nơi để tìm ra chỗ tốt nhất.

"Mỗi nơi có thuận lợi và thách thức riêng. Sau khi qua một số công ty, tôi rút ra bài học rằng quan trọng là điều mình muốn gặt hái ở đó. Không nơi nào có thể đáp ứng đầy đủ mọi thứ mình mong, cần bám sát mục tiêu để lựa chọn và trải nghiệm" - Chính nhìn nhận.

Còn trẻ, còn nhiều cơ hội?

ThS Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng hiện tượng giới trẻ hay nhảy việc xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Sau tác động của dịch COVID-19, thị trường lao động có nhiều thay đổi, áp lực gia tăng, có người không thích nghi được yêu cầu công việc nên bị stress, tìm cách thoát ly hiện tại bằng cách thay đổi chỗ làm. Ngoài ra, nhiều người trẻ thường hướng đến sự tự do, không ràng buộc, được phát huy cá tính, óc sáng tạo. Trong khi đó, ở một số nơi, văn hóa doanh nghiệp không phù hợp với thế hệ mới, khiến nhiều bạn trẻ chán nản khi làm việc với sự áp đặt.

Ngoài ra, không ít bạn trẻ thiếu kỹ năng mềm nên khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nhóm khác thiếu định hướng nghề nghiệp, không tự nhận thức và đánh giá mình nên đổi việc liên tục như cách trải nghiệm để tìm phương hướng cuộc đời. Một bộ phận nữa lại có nhận thức không thực tế khi muốn "việc nhẹ, lương cao", thấy không như kỳ vọng, họ sẽ bỏ việc để tìm môi trường "như mơ" khác.

Theo ThS Mai Mỹ Hạnh, nhảy việc để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn là định hướng phù hợp nhưng không phải tối ưu. "Tuổi trẻ cần trải nghiệm và thay đổi, thích nghi. Tuy nhiên, nếu nhảy việc liên tục thì dễ tạo hoài nghi cho nhà tuyển dụng sau. Thiếu niềm tin ở nhà tuyển dụng thì cơ hội ngày càng giảm, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh. Nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên người có thái độ làm việc hơn là người trải qua nhiều vị trí mà không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp" - ThS Mai Mỹ Hạnh nhận xét.

ThS tâm lý Đặng Hoàng An nhận định vấn đề nhảy việc của gen Z càng khá phổ biến khi họ tiếp thu văn hóa từ bên ngoài nhiều hơn, với suy nghĩ còn trẻ, còn nhiều cơ hội. Người trẻ nên nghiêm túc, cân nhắc trước khi lựa chọn ngành nghề để theo đuổi. Khi đứng trước những thách thức trong công việc, cần dùng lý trí xem mình muốn gì và làm gì để vượt qua khó khăn.

"Hãy nhẫn nại, đừng vội buông khi chưa cố gắng hết sức. Trong tình huống có nguy cơ xuất hiện ý định nhảy việc, cần tham khảo ý kiến từ gia đình, đồng nghiệp hoặc người có kinh nghiệm để thêm góc nhìn trước khi đưa ra quyết định" - ThS sĩ Đặng Hoàng An nhắn nhủ.

Theo ThS Mai Mỹ Hạnh, để tìm kiếm công việc phù hợp, người trẻ cần bắt đầu từ chính mình. Người trẻ nên tự nhận thức và đánh giá, xác lập mục tiêu cuộc đời để phác thảo được sở trường, đam mê của bản thân: mình phù hợp điều gì, mong muốn, làm việc gì và cách thức đạt được điều đó.

"Bạn trẻ cần nhận thức được hạn chế của bản thân để hoàn thiện. Bỏ qua thiếu sót của mình và đổ lỗi cho môi trường làm việc sẽ khiến nhảy việc như vòng luẩn quẩn. Cần tìm hiểu kỹ môi trường, chế độ đãi ngộ, nhất là văn hóa doanh nghiệp" - ThS Mai Mỹ Hạnh phân tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo