Chỉ còn vài ngày nữa đến "dấu mốc" mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ đi đến 9 điểm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ).
Hành khách làm thủ tục chuyến bay quốc tế tại nhà ga quốc tế T2, sân bay quốc tế Nội Bài tháng 12-2021. Ảnh: Phan Công
Đã cấp phép 5 đường bay
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) Đinh Việt Thắng vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách.
Đàm phán mở lại bay châu Âu và Úc
Trong điều kiện kiều bào ta ở châu Âu và Úc rất mong muốn có chuyến bay thẳng để về Việt Nam ăn Tết, trong khuôn khổ kế hoạch giai đoạn 2 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục tiếp tục đàm phán với các đối tác để triển khai ngay kế hoạch chở khách vào Việt Nam từ các thị trường đã báo cáo là Pháp, Đức, Nga và Úc với tần suất 7 chuyến/tuần đối với mỗi thị trường.
Theo đó, sau khi gửi văn bản chính thức tới nhà chức trách hàng không các quốc gia/vùng lãnh thổ trên, riêng Mỹ do Vietnam Airlines đang khai thác nên không cần trao đổi lại.
Phía Việt Nam đề nghị tần suất chở khách vào Việt Nam 4 chuyến/tuần/chiều đối với mỗi bên. Chiều từ Việt Nam theo quy định hiện tại. Thời gian dự kiến áp dụng từ 1-1-2022 và sẽ tiếp tục xem xét tùy thuộc tình hình kiểm soát dịch Covid-19.
Đến ngày 28-12, Cục Hàng không chưa nhận được ý kiến chính thức từ phía Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, đang trao đổi với Thái Lan, còn lại đã thống nhất được lịch khai thác với các nhà chức trách hàng không còn lại.
Cục Hàng không đã cấp phép bay cho Vietnam Airlines, Vietjet Air, All Nippons Airways, Bamboo Airways trên các đường bay đi đến Nhật Bản, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore, Campuchia. Theo phép bay được cấp, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines là ngày 5-1-2022, Vietjet Air và All Nippons Airways là ngày 6-1-2022.
Đề nghị tăng tần suất bay Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc
Số liệu từ Bộ Ngoại giao cho thấy nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài còn rất lớn, ước tính hơn 140 ngàn người nên các chuyến bay thương mại thường lệ chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của hành khách, đặc biệt là người dân Việt Nam ở nước ngoài.
Do vậy, theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, tránh các bức xúc có thể xảy ra do tải cung ứng chuyến bay thương mại thường lệ quá hạn chế, các hãng hàng không đều đánh giá cần bổ sung thêm tần suất đối với một số thị trường có dung lượng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hành khách có thêm cơ hội lựa chọn các mức giá hợp lý hơn.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng đề xuất Bộ GTVT giai đoạn từ tháng 1-2022 có thể xem xét tăng tần suất khai thác mỗi cặp thị trường, trong thực tế là nhiều thị trường không khai thác hết lượng phân bổ như Mỹ, Campuchia, Lào, việc sử dụng một phần lượng tải không sử dụng tại các thị trường này để dành cho các thị trường có nhu cầu thực sự của công dân cũng như đáp ứng đề xuất của đối tác.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT xem xét đồng ý cho phép triển khai thực hiện như đề nghị của Đài Bắc là 5 chuyến/tuần; cho phép nới lỏng biên độ đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc với tần suất mỗi thị trường không vượt quá 10 chuyến/tuần/chiều.
Trước mắt chỉ bay được Nhật Bản và Mỹ
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng đã có báo cáo Bộ GTVT về việc bay quốc tế trở lại, trong đó có kiểm soát y tế liên quan đến biến chủng Omicron.
Theo ông Thắng, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam giai đoạn đầu đều đã xuất hiện chủng Omicron. Do vậy, các quy định mới về kiểm soát biến chủng mới đều ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay đã và đang triển khai.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết đối với yêu cầu về test nhanh trước chuyến bay nêu tại Công điện 9406/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23-12-2021, Cục đã tìm hiểu thông tin về việc tổ chức test nhanh tại sân bay. Theo đó, các sân bay tại Nhật Bản, Mỹ đã có hoạt động test trực tiếp với khung thời gian có kết quả và chi phí ở các mức khác nhau. Trong đó, sân bay Narita, Tokyo có kết quả sau 2 giờ và chi phí xét nghiệm là 30.000 yên, tương đương 270 USD.
Do đây là yêu cầu mới phát sinh (ngoài hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 10688), Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác còn lại để bổ sung quy định về test nhanh trước khi lên tàu bay.
Tại sân bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam sẽ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp cơ quan y tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở hành khách tự chịu chi phí.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cảnh báo việc tổ chức test khi nhập cảnh sẽ mất thời gian chờ đợi của hành khách và gây ùn tắc. Ngoài ra, hiện chưa có hướng dẫn về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính sau khi test nhanh.
"Như vậy, trong giai đoạn trước mắt, để đảm bảo tuân thủ theo Công điện, các hãng hàng không chỉ có thể tổ chức chuyến bay từ Nhật Bản và Mỹ"- ông Thắng nhấn mạnh.
TP HCM, Hà Nội cần thống nhất quy định
Đối với yêu cầu cách ly tập trung toàn bộ hành khách của chuyến bay đến từ quốc gia có biến thể Omicron của TP Hà Nội, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết Hà Nội yêu cầu, đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Tuy nhiên, Hà Nội chưa có bất kỳ phương án nào liên quan đến việc triển khai cách ly như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly...
Với lý do trên, ông Thắng đánh giá nội dung này không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản 10688, khác biệt với các nội dung đã được Cục Hàng không thông báo với các đối tác nên để áp dụng sẽ cần tiếp tục trao đổi lại với toàn bộ các quốc gia/vùng lãnh thổ, cũng như thống nhất với TP Hà Nội về tổ chức triển khai cách ly như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly… ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế thường lệ về Thủ đô Hà Nội như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Y tế và UBND TP HCM, Hà Nội thống nhất các quy định và hướng dẫn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Như vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác, các hãng hàng không để đảm bảo triển khai kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với các vấn đề phát sinh về kiểm soát y tế nêu trên, khả năng thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ không đảm bảo theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt"- Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhận định.
Chưa có hướng dẫn tiếp nhận hành khách bị từ chối nhập cảnh nước ngoài
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nhiều hành khách quốc tịch Việt Nam đủ điều kiện để nhập cảnh nước ngoài (có visa và các giấy tờ hợp lệ, đã được hãng hàng không gửi thông tin kiểm tra trước khi xuất phát tại Việt Nam) nhưng khi phỏng vấn trực tiếp tại sân bay đến thì bị từ chối nhập cảnh, phải nằm trong khu vực quá cảnh tại các sân bay nước ngoài trong thời gian dài mà chưa được hồi hương do chưa có quy trình cụ thể đối với đối tượng này.
Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò cơ quan chủ trì công tác bảo hộ công dân cần sớm có hướng dẫn.
Bình luận (0)