xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Quyết đoán vì ích nước, lợi dân

Bài và ảnh: Minh Chiến

Khi còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười đưa ra nhiều quyết sách kiềm chế lạm phát, thúc đẩy trao đổi hàng hóa

Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), kể năm 1989, nước ta lạm phát ở mức 9%/tháng, trên 110%/năm. Đó là thời kỳ kinh tế rất căng thẳng. Trước đó, năm 1986, lạm phát ở mức kỷ lục trên 700%.

"Trị" lạm phát phi mã

Thời điểm này, ông Lược làm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu chống lạm phát. Cùng thời điểm, có trên 40 đề án về chống lạm phát của các chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước gửi đến Hội đồng Bộ trưởng. Tất cả đều được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đọc và nghiên cứu kỹ.

"Hơn 40 đề án đặt trên bàn nhưng ông Đỗ Mười chọn đề án của tôi và yêu cầu Bộ Tài chính tổ chức ngay một cuộc hội thảo để lấy ý kiến" - ông Lược kể và cho biết trong đề án của mình, ông đưa 2 giải pháp chính là nâng lãi suất dương lên 12% và tự do hàng hóa. Hai phương án này đều bị phản đối kịch liệt trong hội thảo mà Bộ Tài chính tổ chức theo chỉ đạo của ông Đỗ Mười.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Quyết đoán vì ích nước, lợi dân - Ảnh 1.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (đứng giữa, hàng đầu) trong lần đến làm việc với Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (chụp lại ảnh tư liệu)

"Kết thúc một ngày tranh luận, các ý kiến đều không đồng thuận. Ông Đỗ Mười gọi tôi lên phòng làm việc để hỏi kết quả. Tôi lo lắng thông báo lại tình hình là có khoảng 90% ý kiến phản đối. Ông trấn an tôi và nói chiếc ghế ông đang ngồi đây là ghế nóng, cực nóng, anh nào muốn vào ngồi là ông đứng dậy ngay" - ông Lược nhớ lại. Sau đó, ông Đỗ Mười ủng hộ đề án của ông Lược và cho thí điểm tại Hải Phòng với lãi suất 12%. Một tháng sau, ông Đỗ Mười xuống Hải Phòng kiểm tra thực tế và ghi nhận kết quả rất tích cực.

"Do lãi suất nâng từ 2%-3% lên 12%, người dân bán hết hàng tích trữ để lấy tiền gửi ngân hàng, hàng hóa đầy trên thị trường, giá cả lập tức hạ xuống. Sau đó, ông Đỗ Mười gọi tôi lên và nói rằng sẽ cho áp dụng ở Hà Nội rồi cả nước. Khi triển khai trên cả nước thì tình thế thay đổi hoàn toàn. Giá cả giảm, hàng hóa dồi dào, lưu thông tốt hơn" - ông Lược nói. Cùng với một số biện pháp khác, việc triển khai đề án đã giúp đưa lạm phát cuối năm 1989 từ 9% xuống còn khoảng 2%-3%/tháng. Những năm liền kề sau đó, lạm phát đều giảm. Ông Lược cho rằng thời điểm đó nếu không có sự quyết đoán, sáng suốt của ông Đỗ Mười thì không biết tình trạng lạm phát còn kéo dài bao lâu.

Sau gần 30 năm, ông Lược vẫn nhớ những lời tâm sự của ông Đỗ Mười khi vào quý III/1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo. "Ông Đỗ Mười nói rằng quý I/1989, ông còn yêu cầu nhập khẩu gạo nhưng sang quý III, người dân thừa gạo ăn, còn xuất khẩu, hết sức bất ngờ. Như vậy là không phải in thêm tiền mà có thêm nguồn dự trữ. Ban đầu, ngân sách dự trữ của cả nước chỉ có khoảng hơn 20 triệu USD, nhờ xuất gạo đã nâng lên cả trăm triệu USD" - ông Lược kể lại bước ngoặt mang đậm dấu ấn của ông Đỗ Mười.

Luôn lắng nghe

Là chuyên gia kinh tế thường xuyên làm việc với ông Đỗ Mười cả trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư, ông Lược đánh giá vị cấp trên của mình là người luôn chu đáo lắng nghe, nếu nhận thấy sự tiến bộ, có lợi cho dân, cho nước là sẽ quyết tâm thực hiện bằng được.

Theo ông Lược, một câu nói của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gây ấn tượng với các nước, các đoàn ngoại giao trên thế giới là: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước". Chính vì vậy, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN và các tổ chức kinh tế - tài chính - thương mại trên thế giới đều bắt đầu từ giai đoạn ông Đỗ Mười giữ cương vị đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, ông Lược kể rằng giai đoạn đó có nhiều ý kiến phản đối. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn nhìn ra những điểm tiến bộ, yêu cầu ông Lược chuẩn bị báo cáo để trình bày trước Bộ Chính trị về việc tại sao phải gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới. Nhận nhiệm vụ, ông Lược cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết trình bày báo cáo, sau đó Bộ Chính trị nhất trí về việc gia nhập các tổ chức kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế giai đoạn đó đều mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Rất dũng cảm, kiên cường

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất dũng cảm, kiên cường nên khi đảm nhận cương vị, nhiệm vụ nào cũng làm rất tốt, để lại nhiều dấu ấn. "Nói với làm phải đi liền với nhau và anh Đỗ Mười rất ghét kiểu lý thuyết suông. Anh rất cầu thị kể cả khi đương chức và khi đã nghỉ hưu" - ông Lê Khả Phiêu nhớ về người lãnh đạo cũ. Th.Ngân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo