Những ngày cuối tháng 1-2018, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ của cụ Ông Thị Mãn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ngôi nhà cổ được làm bằng gỗ mít có tuổi đời 200 năm xập xệ, nghiêng sang một bên. Phần mái đang bị mục nát, nhiều mảng ngói âm dương cũng bị tụt dần. "Đòn Đông, đòn Tây cũng bị nước mưa làm mục dần khiến ngôi nhà bị lung lay mỗi khi có gió mạnh" - anh Bùi Trọng Trung, con trai bà Mãn, lo lắng.
Vừa ở vừa run
Vào năm 2000, một phần mảng tường gạch bên trái ngôi nhà bị sụp đổ do được xây dựng quá lâu. Bà Mãn cùng con trai phải nhờ hàng xóm góp tiền để mua xi măng, cát về xây tạm nhằm cố giữ lại ngôi nhà cổ cho đến nay. "Chỉ mong nhà nước sớm quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí để sửa lại ngôi nhà càng sớm chừng nào hay chừng đó" - bà Mãn nói.
Ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh có tuổi đời trên dưới 200 năm
Rời nhà của bà Mãn, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà cổ của ông Thi Lý Thanh (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ngôi nhà cổ này có tuổi đời khoảng 200 năm, trải qua hơn 6 đời con cháu nối nhau gìn giữ. Nổi bật nhất là bộ cửa chính được làm bằng gỗ mít khiến ai đến thăm cũng phải trầm trồ về độ tinh xảo cũng như độ bền theo thời gian. Thế nhưng, toàn bộ 16 trụ gỗ chống đỡ cho toàn bộ ngôi nhà đang có dấu hiệu xuống cấp và hư hại do bị mối mọt, cộng với việc nước mưa thấm dần vào gỗ gây mục rỗng ở 2 đầu. Để giảm tải lượng khách cùng lúc tham quan nhà cổ đang bị xuống cấp, ông Thanh làm thêm hệ thống đường dẫn vào nhà và xây mới một nhà chờ nhỏ bằng gạch để du khách dừng chân, nghỉ ngơi chờ đến lượt. "Cách đây vài năm, nhiều đoàn khảo sát tới nhà hỏi thăm, đo đạc, lên kế hoạch trùng tu rồi rời đi nhưng sau đó lại không thấy hồi âm" - ông Thanh kể.
Vận động người dân tự sửa
Hiện có khoảng 70 ngôi nhà cổ trên địa bàn huyện Hòa Vang, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Liên và Hòa Phước. Tháng 11-2017 vừa qua, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập đoàn khảo sát về huyện Hòa Vang kiểm đếm các ngôi nhà cổ trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức. Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết do các ngôi nhà cổ nằm rải rác, không quần tụ như phố Hội An nên rất khó khăn trong việc đề xuất công nhận là di tích. "Chính quyền huyện chỉ còn cách vận động người dân tự sửa chữa nhưng lại rất cần có những ý kiến tư vấn của cơ quan chức năng để nhà cổ sau sửa chữa vẫn còn giá trị theo thời gian" - ông Dũng nói.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang, lo lắng, cái khó hiện nay để công nhận di tích, di sản cho nhà cổ là phía địa phương cho rằng ngôi nhà này cổ nhưng đơn vị khảo sát, xem xét thuộc Cục Di sản văn hóa lại cho rằng chưa đủ tiêu chí để công nhận… Từ đó không thể làm căn cứ để hỗ trợ kinh phí cho người dân có nhà cổ trùng tu một cách bài bản theo quy hoạch.
Bình luận (0)