Trong phiên giải trình của Quốc hội ngày 31-5, người đứng đầu ngành giáo dục đã chính thức lên tiếng về trách nhiệm của bản thân về vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại nhiều địa phương.
Vấn đề trách nhiệm và xử lý trách nhiệm vụ gian lận chấn động này đã được công chúng đặt ra gần một năm qua, ngay khi vụ việc bại lộ. Nhiều người liên quan đã bị bắt và cũng có người đang cố giấu mình trước dư luận và tìm cách thoát khỏi điều tra. Nhưng cho đến trước cuộc họp Quốc hội trên, cơ quan quản lý thì tuyệt nhiên chưa thấy có người đứng ra nhận trách nhiệm. Mọi việc vẫn cứ chờ cơ quan điều tra cho đến nay kỳ thi kế tiếp sắp diễn ra.
Sau khi nghe nhận trách nhiệm, chúng ta càng ngơ ngác hơn, bởi tiếp đó là một khoảng không khó hiểu. Nhận trách nhiệm rồi sao nữa? Có tự đề xuất kiểm điểm hay không? Chấn chỉnh thuộc cấp như thế nào?... Chúng ta không thấy một động thái nào từ sau lời nhận trách nhiệm nên cũng không biết kỳ thi tới sẽ được bảo đảm công bằng đến đâu. Nhưng có một vấn đề bất công đang hiện hữu là nhiều thí sinh bị tước cơ hội vào đại học bởi những kẻ đánh cắp điểm thi.
Cùng thời gian này, 5 học sinh lớp 8 ở xã Trung Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) bị chết đuối khi ra chơi ở đập nước. Chỉ trong tháng qua, đã có vài chục học sinh bị đuối nước thương tâm. Còn số liệu được công bố chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có đến 2.000 trẻ em bị đuối nước. Con số khủng khiếp này cao nhất Đông Nam Á và cao khoảng chục lần các nước phát triển.
Cách phòng chống đuối nước hữu hiệu nhất chính là học bơi. Thế nhưng cho đến nay ngành giáo dục chưa có được mô hình dạy bơi đại trà nào hữu hiệu trong trường học. Cách nay gần một thập kỷ, Bộ GD-ĐT triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học trên toàn quốc giai đoạn 2010-2015. Cho đến nay, chương trình này vẫn còn là thí điểm và chuyện dạy bơi do các trường… tự "bơi".
Ngành giáo dục hiện tại có quá nhiều vấn đề cần mổ xẻ và chấn chỉnh. Cách đây không lâu, cộng đồng mạng xôn xao trước thành tích của một lớp học ở TP Vũng Tàu có đến 42/43 học sinh giỏi. Thật ra những "thành tích" như trên có khắp các địa phương. Căn bệnh này đã trầm kha nhiều năm rồi, bởi thành tích. Ngay cả học sinh lớp mầm non cơm nát, mẫu giáo ê a còn có bằng khen về thành tích học giỏi kia mà.
Điều tiên quyết của giáo dục chính là khơi gợi lòng ham học hỏi, tiến tới là đánh thức đam mê để mỗi người phát huy khả năng của mình tốt nhất. Căn bệnh thành tích sẽ dìm chết hứng thú học tập của học sinh và với số đông, mỗi kỳ thi sẽ trở thành một nỗi ám ảnh. Hãy nhìn những nước có nền giáo dục tiên tiến, ở bậc tiểu học họ chỉ chấm điểm tượng trưng, thậm chí không cần chấm điểm.
Bình luận (0)