Không thể hiểu nổi và cũng không có lý do gì để biện minh cho hành động trên. Nếu nói hành vi là kết quả của quá trình giáo dục thì qua hành động nhẫn tâm trên, cậu học trò là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân của sự thất bại trong giáo dục.
Chúng ta đề cao giáo dục song không ít gia đình xem việc đến trường của con không khác gì một cuộc giao dịch. Họ bỏ tiền ra để mua kiến thức cho con và xem người thầy như một người làm thuê. Bởi thế, khi có điều bất ý từ người thầy, không ít người tìm biện pháp trả đũa để bảo vệ con mình và thỏa mãn sự ấm ức của bản thân. Bắt cô giáo quỳ, chửi mắng và thậm chí đánh cả giáo viên… là những bài học tệ hại mà những đứa trẻ học được từ cha mẹ mình. Mua kiến thức cho con nhưng sự thấm đẫm về luân lý đạo đức, nuôi dưỡng lòng vị tha, hành thiện trong mỗi bước đường đời… thì cha mẹ nào mua được?
Ở lứa tuổi non nớt, những đứa trẻ khó phân định đúng sai với những diễn biến của xã hội. Dù muốn hay không, chúng cũng bị tác động bởi những điều nghe thấy hằng ngày. Một vị tướng cảnh sát quyền lực song vẫn có hành vi phạm tội. Bao nhiêu kẻ bất chấp luân thường đạo lý, chà đạp lên thân phận người khác… Những câu chuyện tối tăm này sẽ hằn trong trí những đứa trẻ và vô hiệu hóa những bài rao giảng đạo đức từ người lớn.
Câu chuyện từ nhà trường cũng không ít những mảng tối. Giáo dục nặng mùi tiền là thực tế đang diễn ra. Không phải đứa trẻ nào cũng được đến trường dù đó là ước mơ của các em. Không phải gia đình nào cũng đủ tiền để đưa con vào học ở các trường chất lượng chỉ trung bình. Còn các trường chất lượng tốt hơn thì phải vào bằng cửa hẹp. Chất lượng giáo viên cũng còn nhiều điều đáng buồn. Tuy số ít nhưng những việc như bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, bạo hành từ nhà trẻ, gây áp lực tâm lý bằng sự hằn học… đã gây những vết sẹo khó mờ trong việc hình thành nhân cách học sinh.
Với những thực tế phũ phàng như thế, liệu chúng ta có thể nào oán trách những đứa trẻ cá biệt, hành xử bản năng! Thực tế trên cũng đánh đổ những ảo vọng khi muốn xây dựng những con người hoàn thiện, cống hiến năng lực cho cộng đồng. Nhát dao tàn nhẫn của cậu học trò một lần nữa cho thấy sự thất bại về giáo dục, từ nhà trường, gia đình cho đến xã hội.
Những đứa trẻ là tấm gương phản hồi rất chân thật những gì chúng nhận được.
Bình luận (0)