Ngay sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu tạm dừng thu phí đối với 4 dự án BOT, kể từ 18 giờ ngày 10-7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các chủ đầu tư.
Phản ứng tỉ lệ % doanh thu trích cho VETC
Bốn dự án BOT bị yêu cầu tạm dừng thu phí gồm: Trạm thu phí Km 2079 + 535 Quốc lộ (QL) 1 thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); trạm BOT Bắc Hải Vân thuộc dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT); trạm BOT Cam Thịnh thuộc dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488 - Km 1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh); 2 trạm thu phí tại Km 1610 + 800 và Km 1667 + 470 thuộc dự án mở rộng QL14 đoạn TP Pleiku đến cầu 110 (Công ty CP BOT & BT Đức Long Gia Lai).
Thông báo này đã bị các doanh nghiệp (DN) dự án phản ứng gay gắt và sáng 8-7, một cuộc họp đã được triệu tập tại trụ sở Tổng cục ĐBVN, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ. Tham dự có tổng cục trưởng, các phó tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, Vụ Đối tác công tư (PPP), đại diện lãnh đạo 4 DN dự án nêu trên.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp với 4 nhà đầu tư BOT Ảnh: VĂN DUẨN
Không khí cuộc họp diễn ra rất căng thẳng. Các DN dự án nêu rõ quan điểm đồng tình với chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về triển khai lắp đặt ETC, tuy nhiên không đồng tình cách triển khai của Tổng cục ĐBVN. Các nhà đầu tư này cho rằng phí trước đây tính theo doanh thu làn tự động của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), trong khi phương án mới là tính trên tổng doanh thu. "Nhà đầu tư không phản ứng về chủ trương triển khai ETC mà phản ứng tỉ lệ % doanh thu trích cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC" - đại diện Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT phản đối.
Vị này tiếp tục lên tiếng: "Tổng cục ĐBVN đang đi đàm phán thay cho VETC - đơn vị triển khai ETC. Chúng tôi đã ký hợp đồng rồi. Chúng tôi đồng tình với chính sách nhưng không đồng tình cách triển khai. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể trao đổi với chúng tôi trước khi đưa ra công văn dừng thu phí". Cũng theo đại diện Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT, vướng mắc hiện nay liên quan đến tỉ lệ % doanh thu, chi phí giám sát, công tác bàn giao dịch vụ thu phí.
Sau khi nghe ý kiến của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục ĐBVN xem xét rút lại quyết định thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT, bởi các nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng với VETC nên việc dừng thu phí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Đồng thời, yêu cầu Vụ Đối tác công tư (PPP) tính toán tỉ lệ trích lại chi phí doanh thu, quản lý dự án cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT.
Ông Thọ cũng khẳng định không có việc nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm BOT cho nhà đầu tư ETC, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc DN dự án quản lý.
Gây hoang mang cho nhà đầu tư?
Trong khi đó, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 8-7, Bộ GTVT cho biết đến ngày 5-7, các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. Tuy nhiên, cả 4 nhà đầu tư nói trên chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. "Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với 4 nhà đầu tư, bảo đảm tiến độ ký phụ lục hợp đồng trước ngày 10-7 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ…" - thông cáo nêu rõ.
Cũng trong chiều cùng ngày, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư trong việc triển khai hệ thống ETC.
Nhấn mạnh lại quan điểm chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và pháp luật, đồng thời ủng hộ chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng của Chính phủ đã trình bày trong buổi làm việc vào sáng cùng ngày với Tổng cục ĐBVN, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch VARSI, cho rằng các DN dự án hoàn toàn không đồng tình cách làm mang tính áp đặt, gây hiểu lầm của tổng cục. "Trong rất nhiều nhà đầu tư đã ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng, đã triển khai và trên thực tế đang thu phí bằng các làn thu phí ETC, nhưng Tổng cục ĐBVN lại đưa thông tin rằng các nhà đầu tư này chưa ký phụ lục hợp đồng và dừng thu phí, đã gây ra hiểu lầm rất lớn trong xã hội rằng các nhà đầu tư không chấp hành chủ trương của nhà nước" - ông Thủy bày tỏ.
Ông Phạm Văn Thưởng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (nhà đầu tư trạm phí BOT Cam Thịnh), khẳng định khi có chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, DN đã chấp hành ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT cũng như VETC từ năm 2017. Kể từ khi trạm BOT Cam Thịnh đi vào hoạt động đến nay, hệ thống ETC hoạt động trơn tru và mức phí được hai bên thống nhất. "Việc Tổng cục ĐBVN ra văn bản yêu cầu dừng thu phí đối với BOT Cam Thịnh từ ngày 10-7 với lý do chưa ký phụ lục hợp đồng là sự nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước, bởi thực sự chúng tôi đã ký rồi" - ông Thưởng nhấn mạnh. Do vậy, chủ đầu tư BOT Cam Thịnh đề nghị Bộ GTVT phải giải thích rõ căn cứ trên cơ sở nào để bộ đề nghị nhà đầu tư ký thêm phụ lục với mức phí dịch vụ tăng gấp đôi so với phụ lục hợp đồng mà DN đã ký trước đó với VETC.
Cũng theo ông Thưởng, việc Tổng cục ĐBVN phát đi thông tin dừng thu phí trạm BOT Cam Thịnh từ 10-7 khiến nhà đầu tư bị thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn. "Chúng tôi đang rất khó khăn trước việc một số tài xế đã nắm thông tin này và đã có hành động gây rối. Nhân viên của chúng tôi đang phải nỗ lực để tuyên truyền cho tài xế cũng như chính quyền địa phương hiểu" - ông Thưởng lo lắng.
Làm tăng thời gian thu phí 1 năm 7 tháng
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT, Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh cho biết DN này đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức ETC với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) từ ngày 5-12-2017. Theo hợp đồng này, chi phí dịch vụ quản lý thu phí không dừng bằng 50% chi phí quản lý trong hợp đồng BOT, tương đương với 2,15% doanh thu. Công ty VETC đã lắp đặt xong và vận hành từ ngày 6-4-2018. Việc DN này phản đối xuất phát từ việc Bộ GTVT yêu cầu DN ký phụ lục hợp đồng với bộ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng với tỉ lệ 4,5% doanh thu. Việc ký phụ lục hợp đồng này sẽ làm tăng chi phí lên 369 tỉ đồng và kéo dài thêm thời gian thu phí của dự án khoảng 1 năm 7 tháng. Với việc tăng thêm thời gian thu phí, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân mà cụ thể là các DN vận tải, chủ phương tiện.
Theo DN này, chính cách làm của Tổng cục ĐBVN tác động tiêu cực đến dư luận, khiến các nhà đầu tư khác quan ngại trong việc đầu tư các dự án giao thông tiếp theo.
K.Nam
Bình luận (0)