Bất cứ một virus mới nào xuất hiện cũng đều gây hoang mang trong công chúng vì giới khoa học chưa biết rõ về chúng. Tiêu biểu cho tình trạng này là sự xuất hiện của nCoV-2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi được xem là trung tâm của dịch nCoV-2019 hiện nay. Sự hoang mang được thổi phồng và cường điệu hoá bằng những thông tin phi khoa học hay giật gân. Thật vậy, báo chí thường chạy những bản tin với nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhưng lại rất ít những dữ liệu khoa học liên quan. Tuy nhiên, báo cáo của Uỷ ban Quốc gia về Y tế của Trung Quốc đã cung cấp một số dữ liệu thực tế mà qua đó chúng ta có một cái nhìn bình tĩnh hơn về tình trạng dịch bệnh liên quan đến nCoV-2019.
Có bao nhiêu người tử vong sau khi nhiễm nCoV-2019? Theo số liệu được thu thập bởi hãng thông tấn Bloomberg, tính đến ngày 24-1, có 846 người được báo cáo là bị nhiễm nCoV-2019. Trong số này, có 25 người đã tử vong; như vậy tỉ lệ tử vong xấp xỉ 3%. Nếu so với tử vong vì dịch SARS-CoV năm 2002 (khoảng 7%) thì tỉ lệ tử vong liên quan đến nCoV-2019 thấp hơn.
Phân tích dữ liệu từ 25 ca tử vong cung cấp cho chúng ta một số xu hướng chung. Tuổi trung bình lúc tử vong là 72, với người trẻ nhất là 36 và cao tuổi nhất là 89. Trong số 24 người chết, 10 người (42%) có tuổi 80 trở lên (xem biểu đồ 1). Tuổi tử vong có lẽ nói lên rằng nguyên nhân tử vong có thể là do các bệnh đi kèm (comorbidities). Thật vậy, có ít nhất 9 bệnh nhân tử vong sau khi nhiễm nCoV-2019 đã mắc những bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ vữa động mạch và parkinson.
Nhìn chung, nCoV-2019 có vẻ nguy hiểm ở nam giới hơn là nữ giới. Trong số 24 bệnh nhân tử vong được xác định giới tính, có 16 người (tức 67%) là nam. Bệnh nhân nam có thời gian sống sót (trung bình 10 ngày) thấp hơn nữ (16 ngày).
Thời gian từ lúc nhập viện đến thời điểm chết là 12.5 ngày, nhưng dao động trong khoảng 4 đến 56 ngày. Có người nhập viện từ tháng 11 năm ngoái và qua đời vào 21-1-2020, chứng tỏ virus đã bộc phát từ 2 tháng trước. Độ tuổi có liên quan yếu với thời gian từ lúc nhập viện đến tử vong (biểu đồ 2). Bệnh nhân cao tuổi có thời gian sống sót thấp hơn bệnh nhân "trẻ’ tuổi.
Chỉ 2 ngày sau khi có ca tử vong, giới khoa học thế giới đã giải trình tự toàn bộ hệ gen của nCoV-2019 với kết quả là cấu trúc gen rất giống nhau. Điều này chứng tỏ virus có một nguồn gốc chung. Nhưng cho đến nay, cũng như SARS-CoV trước đây, vẫn chưa có vaccine hay thuốc để điều trị người bị nhiễm nCoV-2019. Phòng ngừa cấp cộng đồng và cá nhân vẫn là biện pháp chính để ngăn chận sự lây lan của nCoV-2019.
Cần nói thêm rằng virus corona, có lẽ cũng giống như nCoV-2019 trước đây, có khả năng sống sót trên 5 ngày trong môi trường nhiệt độ 22-25 độ C và độ ẩm 40-50% (tức trong điều kiện máy lạnh). Thành phố Vũ Hán đang vào mùa đông với nhiệt độ bình quân dao động trong khoảng 4-7 độ C. Nhưng trong môi trường 38 độ C và độ ẩm >95% thì khả năng sống sót của virus này suy giảm nhanh. Các tỉnh phía Bắc của Việt Nam có thể có nguy cơ cao vì nhiệt độ hiện tại ôn đới, nhưng các tỉnh phía Nam thuộc vùng nhiệt đới có thể không phải là môi trường lí tưởng cho nCoV-2019.
Tóm lại, những dữ liệu sơ khởi cho thấy tỉ lệ tử vong sau khi bị nhiễm nCoV-2019 là khoảng 3%, thấp hơn nguy cơ tử vong do SARS-CoV vào năm 2002. Đa số những ca tử vong là nam giới, cao tuổi, và có những bệnh lí mãn tính đi kèm.
Biểu đồ bên trái cho thấy đa số những ca tử vong là trên 65 tuổi. Tuổi trung bình lúc tử vong là 72, với người trẻ nhứt là 36 và cao tuổi nhứt là 89. Trong số 24 người chết, 9 người (37%) có tuổi trên 80.
Biểu đồ bên phải cho thấy sự phân bố của thời gian từ lúc nhập viện đến tử vong. Thời gian từ lúc chẩn đoán đến chết là 12.5 ngày, nhưng dao động trong khoảng 4 đến 56 ngày.
Xác suất tử vong tính từ ngày nhập viện đến lúc chết ở nam giới (16 người, màu xanh) và nữ giới (8 người, màu đỏ). Tính trung bình thời gian từ lúc nhập viện sau khi nhiễm nCoV-2019 đến khi chết ở nam giới là 10 ngày và nữ giới là ~16 ngày.
Bình luận (0)