Thanh tra TP HCM vừa thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Mua sắm trang thiết bị không qua đấu thầu rộng rãi
Theo đó, BHXH TP HCM thực hiện tổng thu BHYT từ năm 2014 đến 2018 trên địa bàn TP là hơn 44.191 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 102,24% dự toán thu BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh nợ đọng BHYT tính đến tháng 12-2019 gần 219 tỉ đồng, chiếm 1,73% kế hoạch thu BHYT năm 2019 (giảm so với cùng kỳ năm 2018 là 0,22%).
Ngoài ra, tính đến tháng 9-2019, chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT của 151 cơ sở KCB vượt quỹ, vượt trần năm 2017 gần 259 tỉ đồng và hơn 186 tỉ đồng (năm 2018), chưa được BHXH Việt Nam chấp nhận thanh toán. Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, để khắc phục tình trạng nợ đọng tiền BHYT, BHXH TP sẽ đôn đốc, yêu cầu các đơn vị nợ BHYT thực hiện theo đúng kết luận thanh tra, nếu không thực hiện sẽ chuyển sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH TP yêu cầu khi giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... hoặc muốn chốt sổ BHXH thì doanh nghiệp có thể nộp riêng cho từng người.
Thanh tra TP HCM cũng chỉ ra sai phạm về thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu, BV Nhân Dân Gia Định, BV Nhi Đồng 1, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An. Các đơn vị này có sai sót trong thực hiện hồ sơ chẩn đoán dịch vụ kỹ thuật dẫn đến thanh toán chi phí KCB BHYT chưa đúng với tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Việc sử dụng thuốc trong hoạt động KCB BHYT từ năm 2014 đến quý II/2019 tại 5 đơn vị có sai sót về giá thuốc đề nghị thanh toán với tổng số tiền là hơn 2,6 tỉ đồng.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Các sai sót này, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo, trưởng các khoa và phòng liên quan của các BV.
Tại BV Ung Bướu, đơn vị không xây dựng danh mục vật tư y tế đối với 23 mặt hàng gửi BHXH TP để làm cơ sở thanh toán chi phí vật tư y tế từ nguồn quỹ BHYT cho các bệnh nhân KCB BHYT. Một số thuốc thanh toán BHYT, BV Ung Bướu thực hiện mua sắm theo giá thuốc của BV Chợ Rẫy, giá thuốc mua sắm theo các đợt năm 2011, 2012, 2013 số lượng 109 mặt hàng thuốc với tổng số tiền 28,6 tỉ đồng là chưa đúng.
Đối với BV Nhân Dân Gia Định, việc lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế 5 năm (giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), BV chỉ lập dự kiến, chưa xây dựng thành kế hoạch. BV lập dự toán gói thầu vật tư y tế, từ năm 2014 đến 2017 trên cơ sở áp dụng báo giá của 3 đơn vị cung cấp vật tư, sau đó tính trung bình cộng của 3 báo giá này để xác định đơn giá cho từng mặt hàng. Về vấn đề này, kết luận thanh tra nêu BV cần lấy giá thấp nhất. Ngoài ra, BV thực hiện mua sắm trực tiếp 15 gói trang thiết bị y tế mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi là không phù hợp.
Tại BV Nhi Đồng 1, BV chưa lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế 5 năm (giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020) mà mới chỉ lồng ghép trong kế hoạch hoạt động 5 năm. Qua kiểm tra chọn mẫu gói thầu "Mua sắm hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla" và gói thầu "Mua sắm thiết bị chẩn đoán hình ảnh năm 2017" có thiếu sót. BV chưa chủ động trong công tác trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chờ văn bản hướng dẫn của Sở Y tế để nộp tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc chữa bệnh là chưa đúng.
Theo Thanh tra TP, cả 3 BV đều sai sót trong việc áp dụng hình thức đấu thầu thực hiện mua sắm trực tiếp vật tư y tế. Các sai sót nêu trên có trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế, giám đốc BV và trưởng khoa dược, trưởng phòng tài chính kế toán của cả 3 BV.
Các bệnh viện nói gì?
Ngày 11-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu TP HCM, cho biết kết luận của Thanh tra TP đã được BV tiếp nhận, BV đã giải trình, thực hiện kiểm điểm.
Về việc không xây dựng danh mục vật tư y tế đối với 23 mặt hàng gửi BHXH TP để làm cơ sở thanh toán chi phí vật tư y tế từ nguồn quỹ BHYT cho các bệnh nhân KCB BHYT, theo BS Phạm Xuân Dũng, lúc đó kỹ thuật mới nên chưa kịp làm nhưng nay tất cả đã được giải quyết.
Còn theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân Dân Gia Định, BV đã giải trình trước đó nhiều tháng và các sai sót hành chính, việc áp thầu, mua sắm tập trung chủ yếu bị nhắc nhở và BV đã rút kinh nghiệm. Lãnh đạo 2 BV này cũng khẳng định đã thực hiện những vấn đề Thanh tra TP nêu như: khắc phục sai sót, tồn tại của hồ sơ bệnh án; tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế và vật tư y tế theo quy định; thực hiện lập kế hoạch mua sắm thiết bị y tế 5 năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định...
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, các sai sót liên quan đến việc thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT là do việc cập nhật giá thuốc tại thời điểm năm 2014 bằng thủ công nên chưa cập nhật kịp thời giá thuốc khi chuyển giữa gói thầu cũ (có giá cao hơn) và gói thầu mới (có giá thấp hơn). Sau thời gian này, BV đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý giá thuốc nên không còn xảy ra tình trạng trên.
Về mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế, theo BS Hùng, chủ yếu là các lỗi hành chính. Trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, BV chưa có riêng kế hoạch trung hạn mua sắm trang thiết bị y tế mà chỉ mới lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của BV trong 5 năm, các kế hoạch mua sắm có trình duyệt Sở Y tế và được thực hiện đúng quy định.
"BV Nhi Đồng 1 đã thanh toán phần chênh lệch viện phí cho BHYT theo đúng quy định; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có liên quan, đồng thời rà soát toàn bộ quy trình mua sắm" - BS Hùng cho biết.
Kiến nghị hàng loạt giải pháp
Từ kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP đã giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH TP tham mưu, đề xuất UBND TP có văn bản đề nghị BHXH Việt Nam sớm xem xét, thanh - quyết toán đối với kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB có phát sinh vượt quỹ, vượt trần và vượt dự toán kinh phí năm 2017, 2018 và 2019. Đồng thời, có văn bản đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về KCB từ nguồn kinh phí quỹ BHYT.
Theo đó, kiến nghị Bộ Y tế xem xét kết cấu đầy đủ các chi phí vào cơ cấu giá dịch vụ KCB BHYT; kiến nghị Chính phủ xem xét việc giao dự toán kinh phí chi BHYT cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề xuất mở rộng nhiều gói BHYT để giảm gánh nặng cho gói BHYT bắt buộc; đề xuất thành lập tổ chức giám định BHYT độc lập và chuyên nghiệp; căn cứ vào kết quả giám định của tổ chức này, cơ quan BHXH sẽ chi trả chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB.
P.Anh
Bình luận (0)