Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Củ Chi, TP HCM đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả trong chăm lo đời sống người dân.
Hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời
Cùng với việc triển khai đường link trực tuyến cập nhật nhanh nhu cầu của người dân, thành lập tổ công tác đặc biệt, tổ an sinh xã hội tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ an sinh xã hội. Đến nay, huyện Củ Chi đã cấp 84.568 túi an sinh xã hội, phân bổ 599.290 kg gạo đến 21 xã, thị trấn để chuyển đến người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Huyện cũng đã hỗ trợ 175.140 phần nhu yếu phẩm, gạo đến người dân các khu phong tỏa, các hộ khó khăn trên địa bàn với tổng trị giá gần 6,6 tỉ đồng. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã thực hiện chăm lo từ nguồn vận động của địa phương với tổng số tiền mặt hơn 2,1 tỉ đồng và hiện vật (gồm 112.147 kg gạo, 147.485 kg rau củ quả các loại, 28.957 suất ăn, 88.921 phần nhu yếu phẩm), với tổng trị giá hơn 23,5 tỉ đồng.
Cán bộ huyện Củ Chi, TP HCM (phải) trao túi an sinh cho người dân khó khăn. Ảnh: KIỀU TIÊN
Song song đó, huyện đã chi hỗ trợ 148.671 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng, đạt 100% so với danh sách được phê duyệt. Huyện cũng tổ chức vận động chủ các nhà trọ miễn giảm tiền thuê cho 20.814 phòng với số tiền hơn 10 tỉ đồng...
Bà Nguyễn Thị Bảy (xã Tân Phú Trung) cho biết từ khi thực hiện giãn cách, người dân luôn được chính quyền quan tâm, thăm hỏi, động viên. Chính quyền đã trao tiền hỗ trợ, tặng túi an sinh. "Khi có thắc mắc, phản ánh về chủ trương chính sách hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi đều được cán bộ giải thích kịp thời. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền trong thời gian qua" - bà Bảy bày tỏ.
Thực hiện tốt mô hình kết nối cộng đồng
Bà Võ Thị Kiều Tiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi, cho biết để thực hiện tốt mô hình "Kết nối cộng đồng", các xã, thị trấn đã thành lập 762 nhóm Zalo gồm 15.606 thành viên, trong đó 17 nhóm phó bí thư thường trực Đảng ủy xã với trưởng ấp/khu phố với 377 thành viên, 137 nhóm trưởng ấp/khu phố với tổ nhân dân/tổ dân phố với 1.651 thành viên, 608 nhóm tổ nhân dân/tổ dân phố với đại diện hộ dân và chủ nhà trọ (13.578 thành viên) để trao đổi thông tin, tuyên truyền kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan công tác phòng chống dịch, thông tin các gói hỗ trợ người dân khó khăn.
Theo bà Tiên, ngoài việc tiếp nhận thông tin phản ánh trên cổng thông tin điện tử 1022, trang thông tin Đất Thép và cơ quan mặt trận..., huyện đã cung cấp 3 số điện thoại cá nhân của lãnh đạo huyện và 42 số điện thoại lãnh đạo xã, thị trấn. Khi người dân cần chăm lo hoặc có thắc mắc về công tác an sinh xã hội sẽ liên hệ để được giải thích hoặc chăm lo.
Huyện Củ Chi cũng áp dụng công nghệ thông tin để nắm chắc danh sách hộ, người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được cập nhật lên bản đồ an sinh xã hội huyện công khai hằng ngày thông qua trang tin Đất Thép. Từ đó tất cả các nhóm liên quan công tác phòng chống dịch từ huyện đến các ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố và người dân đều được biết để giám sát chặt chẽ. "Đây cũng là giải pháp giúp người dân Củ Chi được chăm lo tốt, hạn chế thấp nhất việc bỏ sót hoặc trùng lặp trong quá trình chăm lo" - bà Tiên nhấn mạnh.
Năng động, sáng tạo
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những sáng kiến trong công tác an sinh xã hội của huyện Củ Chi về bản đồ an sinh, dùng công nghệ để quản lý, tổ chức được các lực lượng tình nguyện tham gia giúp dân, gắn được với tiêu thụ sản phẩm nông dân làm ra. Đây là điểm sáng, thể hiện sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao của huyện.
Người dân đã nhận được tiền hỗ trợ, túi an sinh
Một ngày sau bài "Ngóng chờ tiền hỗ trợ" đăng trên Báo Người Lao Động, chị Đoàn Thị Huyền (ở khu nhà trọ thuộc tổ 89, khu phố 13, phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM) vui mừng thông báo cả khu trọ (gần 30 phòng) đã nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng và túi an sinh/phòng trọ. G.Nam
Bình luận (0)