xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

ĐỀ ÁN CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP HCM: Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành

Minh Chiến

Các đại biểu tán thành việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM và kiến nghị thông qua ngay tại kỳ họp thứ 10

Chiều 26-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Trình bày trước QH tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết.

Không cần qua thí điểm

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, với một số nội dung cơ bản quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Trong đó, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường; việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP HCM (bao gồm huyện, TP thuộc TP HCM; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo cũng đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP HCM; quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và chủ tịch UBND TP thuộc TP HCM; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND phường.

Là người phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) QH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) phân tích TP HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, TP HCM vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. "Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết, phù hợp với thực tiễn của TP HCM cũng như mong muốn của nhân dân TP" - ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, chỉ rõ TP HCM hiện nay đang có 5 quận có dân số từ 500.000 - 800.000 người. Như vậy, đầu việc phát sinh hằng ngày rất lớn, yêu cầu đặt ra là phải giải quyết nhanh các vấn đề này, nếu chậm trễ sẽ gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế. "Thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và phường" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Tham gia thảo luận, nhiều ĐB nêu quan điểm tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. ĐB Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định việc ban hành Nghị quyết sẽ nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với trung tâm tài chính kinh tế, công nghệ cao của cả nước. Với tính chất cần thiết và cấp bách, nên kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không cần qua thí điểm. Việc này cũng phù hợp với Hiến pháp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 và các quy định khác.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (tỉnh Bình Thuận) nhất trí thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này để TP HCM có thể triển khai từ 1-7-2021 như đề nghị của Chính phủ. ĐB này cũng đồng tình với việc không cần phải thí điểm bởi TP HCM đã có tổng kết, đánh giá giai đoạn trước. Hơn nữa, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo bước đột phá cho TP HCM trong phát triển kinh tế - xã hội.

ĐỀ ÁN CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP HCM: Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, ngày 26-10. Ảnh: TTXVN

Bảo đảm quyền giám sát của nhân dân

Bên cạnh ủng hộ việc ban hành Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, các ĐBQH đã lưu ý về việc bảo đảm quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân. Theo ĐB Dương Minh Tuấn, cần quan tâm hơn nữa và nâng cao vai trò giám sát của cấp ủy, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, HĐND, ĐB HĐND TP, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm bảo đảm các quyền của người dân.

Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường, ĐB Nguyễn Thị Phúc cho rằng việc kiện toàn, tổ chức đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chỉ bổ sung thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP ở điều 2 nhưng lại không có những quy định về cơ cấu tổ chức, số lượng ĐB HĐND, đặc biệt là số lượng ĐB HĐND hoạt động chuyên trách cho tương ứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao mà vẫn giữ như Luật Tổ chức chính quyền địa phương là điều bất cập.

"Tờ trình của Chính phủ cũng chưa có những lý giải trong việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP để đáp ứng khối lượng công việc được giao, phù hợp với điều kiện tổ chức mô hình chính quyền mới. Thực tế, với quy mô diện tích lớn, dân số đông như TP HCM thì vấn đề giám sát, kiểm soát của chính quyền cấp TP đối với chính quyền cấp cơ sở là rất quan trọng. Cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của nhân dân. Chẳng hạn, cơ chế hoạt động như thế nào để mỗi ĐB HĐND thật sự đại diện cho một khu vực bầu cử nhất định, cần phải có quy định cụ thể hơn" - ĐB Nguyễn Thị Phúc góp ý.

Nói về quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân khi triển khai chính quyền đô thị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết ngoài cơ chế HĐND giám sát, ĐBQH giám sát thì hiện nay có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát. Thứ nhất, các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về vấn đề giám sát. Thứ hai, TP HCM có Quyết định 137 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân qua báo chí, tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo. Thứ ba, TP đã có phương thức thực hiện đô thị thông minh, người dân thông qua điện thoại di động nhắn tin, gửi email tới các cấp chính quyền và những nơi này xử lý các vấn đề hằng ngày. Thứ tư, hàng năm Thường vụ Thành ủy cùng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của 4 cơ quan Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể. "Thông qua đồng bộ hóa, việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ hơn. Thực tế quyền làm chủ của người dân không bị hạn chế mà còn thêm 4 cơ chế để giám sát"- ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. 

Nội dung đề án, dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, tôi tán thành Quốc hội thông qua tại kỳ họp này theo quy trình rút gọn để thực hiện ngay từ 1-7-2021” - ĐB Dương Minh Tuấn đề xuất.

Thời cơ thuận lợi

Nhắc lại việc TP HCM đã có kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009-2016, ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng đây là những kinh nghiệm quan trọng để TP HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị. "Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử, thì đây là thời cơ thuận lợi để triển khai chính quyền đô thị, tạo thế và lực để cải cách thể chế, tạo điều kiện cho TP HCM phát triển, làm đòn bẩy cho vùng và cả nước" - ĐB Huỳnh Thành Chung nêu quan điểm.


. Ông BÙI XUÂN THỐNG, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai:

Là động lực thúc đẩy các đô thị vệ tinh

Đề án thí điểm của TP HCM về việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở 19 quận, 259 phường trên địa bàn TP vừa qua đã cho thấy nhiều ưu điểm. Trong đó, đáng nói nhất là đã góp phần tinh giản bộ máy, cũng như tinh thần cải cách hành chính xuyên suốt từ cấp TP đến cấp phường, tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công việc.

Kết quả trên đã tạo nền tảng, cảm hứng cho các đô thị vệ tinh, góp phần tạo sự thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP HCM là đầu tàu. Phải thừa nhận rằng Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp "cửa ngõ" TP HCM, sẽ nắm bắt được nhiều ưu điểm từ mô hình này. Tôi rất tán đồng với đề án chính quyền đô thị của TP HCM.

. Ông TRẦN VĂN NAM, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương:

TP HCM đủ nguồn lực để tiến hành

Trước tiên phải khẳng định rằng TP HCM có đủ các nguồn lực về kinh tế, văn hóa, cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn lực con người, mối quan hệ quốc tế để xây dựng chính quyền đô thị. Đề án chính quyền đô thị tại TP HCM khi vận hành sẽ là "đầu kéo" kinh tế - xã hội của TP và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Hơn cả, đây sẽ là mô hình để các tỉnh khác trong đó có Bình Dương học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu thành quả to lớn về kinh tế - xã hội để xây dựng phát triển tỉnh nhà.

. Cựu chiến binh TRẦN VĂN ƯỚC (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM):

Người dân đang mong chờ

Với xu hướng phát triển thành một đô thị hiện đại, thông minh thì mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết. Tôi đặc biệt ủng hộ việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát ngày càng phát huy hiệu quả. Do đó việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ là tất yếu, qua đó sàng lọc và chọn lựa được cán bộ có năng lực. Song song đó, cán bộ có thêm cơ hội đào tạo để đáp ứng với khối lượng công việc, với cách quản lý khoa học.

X.Hoàng - T.Đồng - T.Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo