Chiều 27-9, tại TP HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã làm việc với Thành ủy TP HCM về dự thảo Chỉ thị Điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố sau ngày 30-9.
TP HCM phải tính đến tác động liên vùng
Dự thảo Chỉ thị xác định bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-10, thành phố thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19" của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Dự thảo Chỉ thị đặt mục tiêu kiểm soát dịch trên toàn địa bàn thành phố, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, khống chế số ca mắc và tử vong do Covid-19 đến mức thấp nhất để người dân sớm quay lại với cuộc sống trong bối cảnh bình thường mới; từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội thành phố an toàn, hiệu quả.
Dự thảo chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động); hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được phép hoạt động).
TP HCM đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, chuẩn bị kế hoạch khôi phục kinh tế từ ngày 1-10. Trong ảnh: Người dân khu vực vùng xanh của quận 7, TP HCM được ra đường tập thể dục. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đánh giá cao việc thành phố đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để tiếp tục giải quyết những khó khăn trên, thành phố phải tính đến việc tác động liên vùng, phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chủ trì cuộc họp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi TP HCM nới lỏng.
TP HCM cũng phải tính đến việc lo đồng bộ việc làm, nơi ở, an sinh và vắc-xin để "giữ chân" người lao động từ các địa phương ở lại thành phố làm việc, đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc phòng chống dịch đối với mỗi người lao động, doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, sau khi nới lỏng nên có hướng dẫn việc duy trì trạm y tế lưu động; tăng cường kiểm soát các chốt ra vào tỉnh, thành phố; bảo đảm nới lỏng an toàn từng bước chắc chắn, với mục tiêu là phải kiểm soát được dịch bệnh; mở sản xuất để phục hồi kinh tế nhưng người dân vẫn phải thực hiện tốt việc phòng chống dịch; lập bản đồ tới từng khu phố để quản lý dịch bệnh tới từng hộ gia đình... Thành phố cần tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm công bố Chỉ thị.
Nhiều tỉnh, thành đã sẵn sàng
Sáng 27-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng dự kiến áp dụng biện pháp chống dịch theo cấp độ 2, tức tương tự Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-10. Trong đó, đối với các cá nhân khi tham gia các hoạt động ở nơi đông người thì yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, tham gia tiêm vắc-xin Covid-19 và phải có một mã QR theo hướng dẫn. Hằng ngày, các cơ quan, đơn vị phải kiểm soát mã QR của những người đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại.
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết để chuyển sang trạng thái bình thường mới, địa phương đã, đang và sẽ sắp xếp lại các phương án phòng chống dịch; trong những ngày tới, gỡ bỏ các chốt chặn, chỉ để lại một số chốt trọng yếu của tỉnh; mở rộng các điểm xét nghiệm nhanh tự nguyện và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà... Với những người đến hoặc về từ vùng có dịch Covid-19, địa phương không có chủ trương "ngăn sông cấm chợ" nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch hiện hành.
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh một số nội dung hướng dẫn cách ly phòng chống dịch để bảo đảm công tác phòng chống dịch trong tình hình mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương giữa các địa phương.
Trước tình hình dịch chuyển biến tích cực, số ca mắc giảm nhiều ngày qua, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Điển hình là UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch "Phục hồi, phát triển kinh tế tại TP Cần Thơ".
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ đây đến cuối năm, xác định những ngành nghề sản xuất - kinh doanh dịch vụ thiết yếu, xuất khẩu; nông nghiệp (4 huyện và các phường vùng xanh của quận); xây dựng cơ bản… được hoạt động trở lại. Giai đoạn 2 từ ngày 1-1-2022 trở đi, tiến tới khôi phục hoàn toàn nền kinh tế.
TP HCM: Số ca xuất viện cao hơn số ca nhập viện
Bộ Y tế cho biết ngày 27-9, nước ta ghi nhận 9.362 ca mắc Covid-19, giảm gần 1.000 ca so với ngày 26-9. Trong ngày, có thêm 10.528 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 538.454.
Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM chiều 27-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, cho biết số ca thở máy và ca tử vong có chiều hướng giảm. Số bệnh nhân nhập viện ngày 26-9 là 2.805 ca, thấp hơn số bệnh nhân xuất viện là 2.936 ca.
N.Dung - H.Yến
Bình luận (0)