xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều giải pháp chống lãng phí đất đai

MINH PHONG

Từ nhận định việc lãng phí đất đai, ngoài nguyên nhân của hệ thống pháp luật, còn do lối tư duy nhiệm kỳ, thiếu trách nhiệm, đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội cho thấy trong giai đoạn 2016 - 2021, hiệu quả khai thác, sử dụng đất trong thời gian qua chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực lớn đất đai. Tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng lập dự án, "ngâm" đất là công tác cấp bách để ngăn lãng phí, thất thoát tài nguyên quốc gia.

Đất bỏ hoang tại nhiều địa phương

Theo báo cáo của đoàn giám sát, nhiều dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, nhất là các dự án khu dân cư, khu đô thị gây lãng phí tài nguyên đất đai, phát sinh khiếu kiện, nhiều dự án tình trạng hoang hóa kéo dài hàng chục năm.

Đoàn giám sát cho biết theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các địa phương, có 908 dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng với diện tích trên 28.154 ha. Trong đó, đã thu hồi đất và chấm dứt hoạt động với 172/908 dự án, diện tích 6.922 ha; đã gia hạn sử dụng đất 226/908 dự án, diện tích 1.719 ha; đang xử lý 106/908 dự án, diện tích 1.206 ha; chưa xử lý 404/908 dự án, diện tích 18.308 ha.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, kết quả kiểm tra, rà soát và xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy đã thu hồi hoặc hủy bỏ 336/575 dự án, công trình với tổng diện tích trên 99.543 ha do đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ. Đáng chú ý, 22 tỉnh, thành phố có dự án thu hồi hoặc hủy bỏ; trong đó, TP HCM là địa phương thu hồi dự án, công trình nhiều nhất trong cả nước (121 dự án, công trình); thứ 2 là Lâm Đồng (61 dự án, công trình); thứ 3 là Thanh Hóa (24 dự án, công trình).

Đoàn giám sát cũng đánh giá việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Hàng ngàn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được quan tâm xử lý, thu hồi. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ hơn 286 tỉ đồng.

Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng nêu rõ nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng liên quan thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật. Đáng chú ý, một số địa phương giao dự án cho nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí. Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư ở một số dự án chậm, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, thời hạn đưa đất vào khai thác, sử dụng.

Đánh thuế cao với đất bỏ hoang

Trước tình trạng để đất hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng nêu trên, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình - cho rằng do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, việc chậm triển khai dự án, chậm đưa đất vào sử dụng không chỉ làm ảnh hưởng quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi mà còn gây thất thoát thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất. "Nhiều dự án khi đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai thực hiện, đất đai hoang hóa, trong khi đất sản xuất của người dân ngày càng khó khăn, bị thu hẹp" - bà Ngọc nêu thực trạng.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh về lãng phí đất đai, ngoài nguyên nhân của hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Đất đai, còn do lối tư duy nhiệm kỳ, thiếu trách nhiệm của cán bộ công quyền. Theo bà Mai, ở một số địa phương, sau mỗi nhiệm kỳ thì số lượng dự án treo, diện tích đất bỏ hoang lại tăng lên. Để khắc phục các tồn tại này, bà Vũ Thị Lưu Mai cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong xử lý các vướng mắc về đất đai, đề cao trách nhiệm của các cán bộ, công chức, tránh tâm lý e dè, lo lắng khi giải quyết các vấn đề về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cũng đánh giá nguồn lực đất đai đang bị lãng phí, chậm đưa vào sử dụng, làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước. Ông Thông kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế đánh thuế cao đối với những diện được giao đất nhưng không sử dụng. Theo ông, những vấn đề này cần được tính toán để giải quyết sớm khi Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này.

Nhiều giải pháp chống lãng phí đất đai - Ảnh 1.

Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn sau 13 năm vẫn chỉ là bãi đất trống cỏ mọc um tùmẢnh: THANH TUẤN

Lập cơ quan giám sát, kiểm tra

Thực trạng dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa gây lãng phí đã rõ, ông Lê Thanh Hoàn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng vấn đề đặt ra là chúng ta có giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.

Đề xuất một số giải pháp, ông Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh cần tăng cường tính răn đe trong thực thi pháp luật đất đai thông qua việc kiểm tra, thanh tra toàn diện, thường xuyên hơn. "Cần nghiên cứu, xem xét để bổ sung các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương. Các cơ quan này sẽ thường xuyên giám sát, kiểm tra việc sử dụng và quản lý đất đai của chính quyền địa phương, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không phát hiện được hành vi vi phạm đất đai trên địa bàn quản lý" - đại biểu Lê Thanh Hoàn đề xuất.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng cần minh bạch thông tin đất đai, hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai, không để tình trạng Luật Đất đai đã có hiệu lực mà sau gần 10 năm thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia vẫn chỉ là bước đầu xây dựng. Đồng thời, cần quy định một số nguyên tắc cơ bản cho việc khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia để người dân có quyền tiếp cận thông tin đất đai, thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cũng nhấn mạnh nguồn lực đất đai bị lãng phí là vấn đề lớn. Thực trạng này cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, bám sát theo tinh thần của Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương khóa XIII đã đề ra với mục tiêu là huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trở thành một động lực đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển. 

Nhiều cá nhân có thẩm quyền liên đới lợi ích về đất đai

Theo đoàn giám sát, trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại, sai phạm về đất đai thuộc các cấp chính quyền địa phương, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định của pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm. Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Bộ TN-MT chậm tham mưu trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật; sở TN-MT các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền; chậm tham mưu trong việc xác định giá đất...

M.Chiến

Hơn 118 tỉ đồng đấu giá nhà, đất công sản

Ngày 1-11, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi cho biết đơn vị đã tổ chức đấu giá xong 6 nhà, đất công sản nằm trong khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi, thu về hơn 118 tỉ đồng.

Trước đó, trong thời gian dài, tình trạng nhà công sản vốn là trụ sở cũ của các cơ quan và tổ chức nhà nước, nằm những vị trí đắc địa trên các tuyến đường trung tâm nội thành Quảng Ngãi, do những nguyên nhân khác nhau nên bị bỏ hoang nhiều năm qua, gây lãng phí khiến dư luận bức xúc. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã chỉ đạo cho các cấp, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ số nhà công sản trên địa bàn tỉnh. Riêng tại TP Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo trước mắt đưa ra đấu giá 16 nhà, đất công sản.

T.Trực

Thu hồi các dự án chậm tiến độ

Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra đầu tháng 7-2022) nêu ngoài những dự án đã đầu tư đúng tiến độ, hoạt động có hiệu quả, hiện trên địa bàn tỉnh còn 406 dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ, trong đó có 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm Luật Đất đai.

Đến nay, Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, trong đó có một số dự án lớn như: dự án KCN Hoàng Long của Tập đoàn FLC (286 ha), vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng nhưng đã chậm hơn 7 năm; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam TP Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc)...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ công tác rà soát - cho biết hiện tỉnh đã thực hiện xong việc rà soát và báo cáo kết quả cho Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa. "Tỉnh sẽ thu hồi những dự án giao đất không đúng quy định, chậm tiến độ, nhắc nhở, chấn chỉnh nhà đầu tư của những dự án còn chậm. Quan điểm của Thanh Hóa là làm kiên quyết, đúng tinh thần chỉ đạo của bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại phiên chất vấn" - ông Giang thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo