Chiều 11-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tại buổi họp báo, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã cung cấp thông tin về tình hình làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip, xử phạt cuộc gọi, tin nhắn rác...
Toàn cảnh buổi họp báo
Có CCCD sẽ thuận lợi hơn
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết Công an TP HCM đã giải quyết cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho 32.417 trường hợp. Thủ tục cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú khá thuận lợi bởi người dân có thể thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tại tất cả cơ quan công an quản lý cư trú trên cả nước chứ không buộc về nơi cư trú. Thời gian thực hiện thủ tục là 3 ngày làm việc.
Còn khi người dân có thẻ CCCD gắn chip thì đây sẽ là giấy tờ pháp lý duy nhất về cư trú để đi làm thủ tục hành chính mà không phải xin giấy xác nhận nào khác. Do vậy, thượng tá Lê Mạnh Hà đề nghị người dân ủng hộ, đi làm CCCD gắn chip để làm thủ tục hành chính và các giao dịch khác thuận tiện hơn cũng như giúp ngành công an hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip trong năm 2022.
Liên quan đến thẻ CCCD gắn chip, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết trong tháng 7-2022 đã có 30.513 người dùng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT khi đến các cơ sở khám chữa bệnh, chiếm 4,2% tổng số trường hợp khám chữa bệnh dùng thẻ BHYT. "Hiện nay đa số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT" - Phó chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin thêm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, chia sẻ thông tin tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Đẩy mạnh xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác
Về việc xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Từ Lương cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý hành chính 2 hành vi vi phạm với số tiền 15 triệu đồng. Các hành vi này gồm lợi dụng dịch vụ internet, viễn thông cung cấp thông tin, nội dung không đúng quy định và quấy rối, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Sở cũng thu hồi, tạm dừng hoạt động đối với 12 doanh nghiệp và ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với 17 thuê bao di động.
Theo ông Từ Lương, việc tái diễn các hành vi trên là tình trạng chung, tội phạm thường lợi dụng không gian mạng để ẩn danh thực hiện do lợi nhuận thu được lớn.
Do cách thực hiện dịch vụ ẩn danh nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm. "Các hành vi quấy rối trên mạng internet, điện thoại, tin nhắn hiện nay chưa được giải quyết triệt để, thậm chí có dấu hiệu gia tăng" - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nhìn nhận.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Từ Lương cho hay Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hiện đúng quy định khi tham gia cung cấp thông tin trên không gian mạng. Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Song song 2 giải pháp này, sở tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố thực hiện các biện pháp mạnh khác, trong đó chú trọng phạt tiền, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động mạng xã hội, tịch thu tên miền quốc gia ".vn", áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động các tài khoản mạng xã hội...
Ông Từ Lương cho biết thêm vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông đã ký quy chế phối hợp với Công an TP HCM về công tác bảo đảm an toàn, an ninh phòng chống tội phạm trên lĩnh vực thông tin truyền thông.
"Quy chế này là cơ sở để Sở Thông tin và Truyền thông tăng tốc hơn nữa trong việc xử lý vi phạm thông qua việc đánh giá, tổng hợp và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các hành vi có dấu hiệu hình sự" - ông Từ Lương nhấn mạnh.
TP HCM thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học
Thông tin về công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM Hồ Tấn Minh cho biết nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở cấp mầm non là 892, tiểu học là 2.355, THCS là 1.698, THPT là 296. Hiện TP HCM có một số môn học vẫn thiếu giáo viên như tiếng Anh và tin học, nhất là ở các huyện ngoại thành: Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn.
Lý giải nguyên nhân, ông Hồ Tấn Minh phân tích giữa đi dạy và đi làm bên ngoài thì nhiều người lựa chọn đi làm. Riêng vị trí giáo viên môn mới gồm âm nhạc và mỹ thuật, sở đã hướng dẫn tất cả đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.
"Hiện sở đang phối hợp với các trường đại học trên địa bàn để đặt hàng, đồng thời tiến hành đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ, nghệ nhân để dạy các môn nghệ thuật" - ông Hồ Tấn Minh thông tin.
Hải Yến
Bình luận (0)