Chiều 26-12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng - các vấn đề đặt ra". Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Phải bỏ tư tưởng "im lặng là vàng"
Tại hội thảo, TS Trần Thị Kim Ninh, Học viện Chính trị Khu vực 2, đề cập cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của đảng viên.
Theo bà Ninh, yêu cầu đầu tiên đối với đảng viên là nêu gương. Đây vừa là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng vừa phản ánh phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn của đảng viên. Bên cạnh đó, cùng với việc học lý luận chính trị, đảng viên cần có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, có có tư duy khoa học, sáng tạo để góp ý xây dựng nghị quyết của chi bộ. Đảng viên cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, nói lên tiếng nói của mình để góp phần tìm ra chân lý. Do đó, phải tẩy bỏ tư tưởng "im lặng là vàng".
Đại biểu phát biểu tại hội thảo ngày 26-12
GS-TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, nêu ý kiến cần làm rõ bản chất của tập trung dân chủ. Theo ông, dân chủ là lấy ý kiến của đa số để ra quyết định. Cơ chế lãnh đạo khi ra nghị quyết không thể bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ. "Tài năng của người lãnh đạo là làm sao để có được tinh thần tập trung dân chủ một cách tốt nhất trước khi ra quyết định có thể ảnh hưởng tới "sinh mạng" của tổ chức, đơn vị, địa phương, quốc gia" - GS-TS Nguyễn Hữu Khiển nói.
Bảo vệ cán bộ "6 dám"
Nhắc lại đặc điểm nổi bật của nguyên tắc tập trung dân chủ là quyết định theo đa số, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, TS Nguyễn Thị Thảo, Học viện Chính trị Khu vực 2, cho rằng cần phải có cơ chế phân định rõ đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể; đâu là thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân. Từ đó, tránh tình trạng vượt quyền, sai quyền.
TS Nguyễn Thị Thảo đề xuất 4 giải pháp xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ hiện nay. Trong đó có xây dựng và hoàn thiện cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ gắn với xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân và bảo vệ "cán bộ 6 dám". "Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, nhất là cán bộ có ý kiến thuộc về thiểu số để phát huy vai trò của mỗi đảng viên trong công tác cán bộ. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung" - bà Thảo phát biểu.
TS Nguyễn Thị Trâm, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Khu vực II, quan tâm đến cơ chế bảo lưu ý kiến của đảng viên trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo bà, cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các hoạt động xây dựng Đảng cần được bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa hai mặt "dân chủ" và "tập trung". Quyền của đảng viên là tham gia vào việc quyết định công việc của Đảng, đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng đồng thời được nêu chính kiến của mình, được bảo lưu ý kiến, đó chính là hài hòa cả hai mặt "dân chủ" và "tập trung" trong nguyên tắc tập trung dân chủ.
Phải định lượng được
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng tất cả hoạt động của Đảng được vận hành bằng nguyên tắc tập trung dân chủ. Thước đo thành công khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là ở "đầu ra quyết định", tức những giá trị có thể định lượng được.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, các quyết định của Đảng phải được đo lường bằng giá trị về chính trị như sự vững vàng của chế độ; về kinh tế, như sự tăng trưởng xã hội và sự thụ hưởng của nhân dân; về văn hóa và về sự hội nhập phát triển...
Bình luận (0)