Ba trong số 51 toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ cảng Kasado (Nhật Bản) đã cập cảng Khánh Hội (quận 4, TP HCM) vào sáng 8-10. Đến chiều cùng ngày, các toa tàu đã yên vị trên 3 xe siêu trường siêu trọng để ngày 10-10 được đưa về depot Long Bình (quận 9).
Tiền đề quan trọng
Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), 3 toa tàu này được đưa về sớm (còn 48 toa chưa đưa về - PV) là để vận hành thử. Theo đó, sau khi đưa về quận 9, MAUR sẽ tiến hành 3 giai đoạn chạy thử. Bước đầu, tàu chạy thử trên đoạn Bình Thái - depot Long Bình (quận 9); kế đến là từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận 2); đến đầu năm 2021 tàu chạy thử giai đoạn cuối từ ga Văn Thánh đến ga Bến Thành (quận 1). "Việc đưa những toa tàu về vận hành sớm có ý nghĩa rất lớn, đặt nền móng mới cho công tác quản lý, tổ chức vận hành metro. Bởi khi tuyến metro số 1 hoạt động, đó sẽ là tiền đề để thúc đẩy phát triển những tuyến còn lại" - ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Toa tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được cân chỉnh để bảo đảm tuyệt đối an toàn khi hạ xuống xe siêu trường, siêu trọng . Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nói thêm về công tác chuẩn bị vận hành metro số 1, ông Bùi Xuân Cường thông tin ngoài 58 lái tàu đang được đào tạo, để phục vụ công tác vận hành tuyến metro số 1 vào năm sau, Công ty THHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đang gấp rút tuyển dụng, đào tạo hơn 300 nhân sự vào vị trí trưởng ga, nhân viên điều độ và nhân viên nhà ga. "Đa số những cá nhân trúng tuyển lái tàu đang rất háo hức khi hay tin đoàn tàu đầu tiên đã về đến TP HCM và chuẩn bị vận hành thử" - vị lãnh đạo MAUR chia sẻ.
Thật vậy, khi hay tin toa tàu đã "yên vị" trên xe siêu trường, siêu trọng, chị Phạm Thị Thu Thảo (nữ học viên lái tàu duy nhất trong 58 người đang được đào tạo - PV) đã lập tức chia sẻ với chúng tôi rằng ước mơ của chị đang đến rất gần. Số là, tháng 4-2020, xem thông tin trên Facebook biết HURC1 thông báo tuyển dụng đào tạo 58 kỹ thuật viên lái tàu cho tuyến metro số 1, chị đã không ngần ngại bàn với gia đình, quyết định bỏ ngang công việc dạy mầm non, tham gia thi và trúng tuyển. "Ngay từ ngày vào học lái tàu tại Trường Cao đẳng Đường sắt, mình đã không ngừng mong đến ngày được cùng hành khách "vi vu" trên loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại nhất nước. Giờ thì sắp thành hiện thực rồi, mình háo hức lắm, chỉ muốn lao ngay đến "sờ nắn" các toa tàu mà thôi" - chị Thảo chia sẻ.
Cũng theo chị Thảo, chị thích nhất cảm giác bước đi "trong lòng đất" khi vừa qua, các học viên lái tàu được tham quan thực tế tại nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố. "Trước giờ tôi chỉ tưởng tượng hoặc xem hình trên mạng nhưng khi bước chân xuống lòng đất, tận mắt nhìn ngắm những đường ray phía xa, những công trình quy mô lớn tôi rất xúc động, hồ hởi chờ mong một ngày rất gần được điều khiển những con tàu mới mẻ này" - chị Thảo nói.
Dù từng học qua trung cấp lái tàu sắt nhưng cảm xúc lần này với Phan Huy Đăng lại khác bởi theo Đăng, kiến thức tàu sắt và tàu điện rất khác nhau, tuy khóa đào tạo chỉ cấp bằng trung cấp nhưng học viên được đào tạo như những kỹ sư thực thụ, đặc biệt nhiều kiến thức về đầu máy, toa xe, kỹ thuật vận hành... được đào tạo chuyên sâu. "Càng học mình càng bị thu hút và không ngừng đào sâu để tích lũy kiến thức để sau này còn truyền lại cho "đàn em". Mình rất tự hào" - Huy Đăng khoe.
Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc HURC1, chương trình đào tạo lái tàu do Trường Cao đẳng Đường sắt đảm trách cùng với phần đào tạo chuyên sâu của các chuyên gia Nhật Bản. Tổng thời gian đào tạo và sát hạch khoảng 19 tháng. "Với 58 lái tàu, 48 người sẽ chia 2 ca 3 kíp phụ trách lái tàu còn 10 người có kết quả học tập tốt nhất sẽ phụ trách công tác quản lý, đào tạo cho các lái tàu tuyến metro số 2 và phục vụ công tác bảo trì tại depot Long Bình" - ông Triết cho hay.
Dần hoàn thiện kết nối
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết hiện nay hướng Đông TP HCM tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Việc hình thành sớm hệ thống phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm tải áp lực xe cá nhân gây kẹt xe. "Metro số 1 hoạt động sẽ tạo sự kết nối và trung chuyển lượng khách rất lớn từ Bến xe Miền Đông mới vào khu vực trung tâm TP và ngược lại. Qua đó, góp phần giảm ùn tắc và hơn cả là đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch giao thông của TP. Đây quả là bước ngoặt lớn trong phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng nói riêng, sự phát triển của TP nói chung.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, nói rằng để metro phát huy tối đa hiệu quả thì việc sớm hoàn thiện hệ thống 8 tuyến metro là việc cần được ưu tiên. "Riêng tuyến metro số 1 có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối vùng đô thị và thúc đẩy cửa ngõ phía Đông TP phát triển mạnh mẽ hơn. Khi metro số 1 hoạt động chắc chắn sẽ đông người sử dụng vì tò mò và muốn được trải nghiệm. Tuy nhiên, để hiệu quả phải thật sự có tính tiện ích và phối hợp với việc hạn chế phương tiện xe cá nhân tại trung tâm TP" - PGS-TS Phạm Xuân Mai nói.
Khi vừa hay tin đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 về đến TP, ông Nguyễn Văn Nhị (chủ một quán ăn quận 8) nói ông sẽ sắp thoát cảnh ngày chạy hàng chục cây số để lấy hàng. "Với tui vậy là vui lắm rồi" - ông Nhị nói. Ông kể nhiều năm qua, ngày nào ông cũng ra gần Khu Du lịch Suối Tiên để nhận hàng. "Ngày chạy hàng chục cây số đi về cũng đuối nhưng nếu thuê xe ôm công nghệ cũng mất cả 100.000 đồng nên đành phải ráng. Mong rằng nỗi cực khổ của tui sẽ chấm dứt vào cuối năm 2021 - khi metro số 1 vận hành đúng tiến độ đề ra" - ông Nhị mong ngóng.
Tuyến metro số 1 là loại hình vận tải hành khách công cộng sức chở lớn đầu tiên tại TP HCM, do đó khi đưa vào vận hành không chỉ tạo cơ hội nghề nghiệp, tiếp cận công nghệ, kiến thức mới mà biểu đồ tàu chạy cũng như giá vé được người dân rất quan tâm. Ông Lê Minh Triết cho biết theo thiết kế của dự án, sẽ có 17 đoàn tàu phục vụ cho tuyến metro số 1, mỗi đoàn tàu chở đầy khoảng 930 khách. Trong đó 14 đoàn tàu chạy chính còn 3 đoàn tàu dự bị. Thời gian giãn cách mỗi chuyến khoảng 4 phút 30 giây, chuyến đầu tiên từ 5 giờ và chuyến cuối cùng là 23 giờ, những ngày cao điểm mỗi ngày tàu chạy khoảng 304-305 chuyến, vận chuyển trung bình 282.700 khách/ngày.
"Đó là trên lý thuyết, khi đưa vào vận hành tùy tình hình thực tế, công ty sẽ điều chỉnh biểu đồ giờ tàu chạy cho hợp lý. Về cơ chế trợ giá và giá vé hiện HURC1 đang phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị xây dựng và sẽ trình UBND TP trong thời gian tới. Tuy nhiên về cơ bản đây là loại hình vận tải hành khách công cộng, để thu hút khách lên tàu thì giá vé sẽ xây dựng trên nguyên tắc hợp lý, vừa phải" - Giám đốc HURC1 cho hay.
Cân chỉnh từng ly
Sau khi tàu cập cảng, hàng chục kỹ sư Việt Nam đã mở các dây chằng để đưa toa tàu đầu tiên xuống mặt đất. Xung quanh, có 10 chuyên gia thuộc tổng thầu Hitachi (Nhật Bản) theo sát công tác tháo dỡ.
Có mặt tại cảng Khánh Hội từ sớm, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho biết để bảo đảm an toàn an ninh xung quanh được thắt chặt. Ngoài ra, việc mở nắp khoang hàng và vận chuyển được thực hiện cẩn thận tránh trầy xước. "Việc vận chuyển những thiết bị quan trọng với giá trị tài sản lớn được các đơn vị phụ trách cảng Khánh Hội từng làm nhiều lần nhưng với các toa tàu này do là công trình trọng điểm quốc gia và có ý nghĩa lớn đối với TP HCM nên việc bảo đảm an toàn phải là tuyệt đối. Do đó, các thao tác đưa toa tàu xuống xe siêu trường, siêu trọng được cân chỉnh từng ly" - ông Hưng khẳng định.
Còn ông Đoàn Văn Tiến, Giám đốc dự án Công ty Demadept Logistics (đơn vị chịu trách nhiệm vận chuyển toa tàu từ cảng về Depot Long Bình), cho biết dự kiến tối 9-10 sẽ bắt đầu vận chuyển từ cảng về quận 9. "Mọi việc vận chuyển đã được cơ quan chức năng hỗ trợ như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các bên liên quan, để bảo đảm vận chuyển tốt nhất. Dự kiến sáng 10-10, chúng tôi sẽ bốc toa tàu lên đường ray và lắp đặt các hệ thống sẵn sàng cho việc vận hành thử" - ông Tiến chia sẻ.
Bình luận (0)