Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến thời điểm hiện tại, khối lượng toàn dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt 87,5%. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của dịch bệnh, sau khi đánh giá các ảnh hưởng, các nhà thầu đã đưa ra kiến nghị lùi thời gian hoàn thành toàn bộ dự án và bổ sung chi phí phát sinh do dịch Covid-19.
Kéo dài thêm 2 năm
Theo MAUR, các nhà thầu của dự án tính toán cần thêm 2 năm nữa - tức đến cuối năm 2023, tuyến metro đầu tiên của TP HCM mới có khả năng hoàn thành. Vì vậy, hoạt động chạy thử sẽ thực hiện vào đầu năm 2024, sau đó là khai thác thương mại, thay cho kế hoạch chạy thử và khai thác vào năm 2022.
Cụ thể, nhà thầu CP1a (xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) cho rằng do việc cung cấp nguyên vật liệu không đủ và thường xuyên bị gián đoạn do phải liên tục cập nhật các yêu cầu thủ tục, cấp phép chuyên chở... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của gói thầu. Nhà thầu dự kiến sẽ hoàn thành gói thầu trong quý IV/2021 nhưng hiện không thực hiện được. Ðối với gói thầu CP1b (xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son), dù có tiến độ thực hiện tốt nhất nhưng gói thầu này vẫn không thực hiện dứt điểm được trong năm nay.
Tương tự, do thiếu hụt nhân lực và nguồn vật tư, thiết bị, Công ty Hitachi xác định tiến độ gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) sẽ kéo dài đến tháng 8-2023 mới có thể hoàn thành. Theo MAUR, đây cũng là gói thầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất theo đánh giá của Tư vấn chung. "CP3 đồng thời là gói thầu giao diện chính nên nếu công việc của nhà thầu CP3 thực hiện không đúng kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các gói thầu khác. Ví dụ, các gói thầu thi công không thể hoàn thiện kiến trúc nếu nhà thầu CP3 chưa thi công xong các hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu trong các nhà ga. Hoặc các gói thầu thi công phải chừa lỗ mở cho việc thi công bê-tông và thi công tray của gói thầu CP3, dẫn đến không thể hoàn thành 100% gói thầu. Tiến độ thử nghiệm và chạy thử đang chậm do hệ thống AFC lắp đặt trong tòa nhà văn phòng Công ty Vận hành và Bảo dưỡng đường sắt đô thị - Công ty O&M, sẽ không thể thử nghiệm kịp thời và ảnh hưởng đến tiến độ chạy vận hành thương mại vào tháng 3-2024" - đại diện MAUR cho biết.
Nguyên nhân chính yếu xảy ra tình trạng trên là do số lượng nhân công sụt giảm vì thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, chưa kể một số nhân công khác bỏ việc. "Chúng tôi triển khai thi công "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" nhưng số lượng nhân công vẫn tiếp tục giảm mạnh, nhất là 2 tháng đầu quý III vừa qua. Cụ thể, trong tháng 8, số lượng nhân công trên công trường chỉ còn 544 người, giảm 1.930 người so với tháng 4" - đại diện MAUR thông tin. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh đã gây ảnh hưởng lớn đến các hạng mục phức tạp nhằm bảo đảm tối đa chất lượng thi công.
Hoạt động chạy thử tàu của metro số 1 sẽ thực hiện vào đầu năm 2024, sau đó là khai thác thương mại. Ảnh: Ý LINH
Ðiều chỉnh quy hoạch xung quanh nhà ga
Cũng liên quan đến metro số 1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM giao cho UBND TP Thủ Ðức và quận Bình Thạnh lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 theo ranh giới các khu vực cần tập trung phát triển xung quanh nhà ga của metro số 1. Việc lập các đồ án thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 một số khu vực xung quanh các nhà ga của tuyến metro số 1 sẽ xem xét thực hiện sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 được phê duyệt. Ðồng thời, sở sẽ chuyển ý tưởng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh nhà ga metro Phước Long để UBND TP Thủ Ðức xem xét, sử dụng trong công tác xây dựng các đề án khai thác quỹ đất phát triển đô thị trên địa bàn.
Ngoài ra, theo Sở QH-KT, khi metro số 1 đi vào vận hành, khu trung tâm TP sẽ có những thay đổi tích cực. Cụ thể, theo đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP HCM đã được phê duyệt thì công tác lập thiết kế quy hoạch tại khu vực nhà ga Bến Thành (bao gồm khu trung tâm thương mại ngầm dưới chợ Bến Thành) là nhiệm vụ cấp bách mà Sở QH-KT đang thực hiện. Theo đó, sở đang hướng tới thiết kế mang tính kết nối đồng bộ không gian ngầm tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (gồm phần nhà ga trung tâm, không gian thương mại ngầm dưới quảng trường Quách Thị Trang, dưới chợ Bến Thành) với phần ngầm Công viên 23 Tháng 9, các hành lang kết nối tầng hầm của những công trình cao tầng lân cận... Việc nghiên cứu sẽ lấy chợ Bến Thành là trung tâm, phạm vi ranh quy hoạch bao gồm khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang), tiếp nối đường Lê Lợi (đoạn giữa nhà ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố), khu vực chợ Bến Thành (bên dưới chợ Bến Thành, nghiên cứu mở rộng thêm không gian ngầm 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ Bến Thành). Quy mô nghiên cứu khoảng 9,28 ha.
Về quy hoạch chi tiết không gian ngầm, công trình ngầm bên dưới quảng trường Quách Thị Trang cũ gồm 4 tầng, trong đó tầng ngầm 1 (kết nối tầng ngầm bên dưới đường Lê Lợi) có chức năng là quảng trường ga trung tâm và khu trung tâm thương mại; tầng ngầm 2, 3 và 4 là các khu đón tàu, chuyển tàu và bộ phận kỹ thuật của nhà ga. Công trình ngầm (1 tầng) bên dưới đường Lê Lợi đoạn tiếp nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (phần không gian bên trên tuyến đường sắt đô thị số 1) có chức năng là trung tâm thương mại ngầm. Ngoài các công trình ngầm theo đồ án quy hoạch được duyệt, sở đề xuất công trình ngầm bên dưới chợ Bến Thành (mở rộng bên dưới các tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh) với chức năng thương mại...
Bình luận (0)