Tiến sĩ (TS) công nghệ sinh học Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) TP HCM, là gương mặt điển hình cho một thế hệ trí thức luôn nỗ lực vươn lên trong nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng bền vững, qua đó xây dựng TP HCM văn minh, giàu đẹp.
Miệt mài nghiên cứu
Chúng tôi tìm đến Khu NNCNC TP HCM rộng hơn 90 ha tại huyện Củ Chi vào trưa một ngày cuối tháng 4-2022. Nhân viên bảo vệ cho biết trưởng ban dự hội thảo liên kết sản xuất nông sản sạch đưa vào hệ thống Co.opmart vừa về đã ra ngoài vườn ươm giống.
Bước vào khu nhà màng trồng dưa lưới sạch, chúng tôi gặp TS Phạm Đình Dũng cùng cộng sự đang kiểm tra hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chẩn đoán bệnh hại trên cây. Anh cho biết Khu NNCNC TP HCM còn sử dụng ứng dụng IoT, mạng 5G, AI... để tự động hóa, kiểm soát các yếu tố môi trường, dịch bệnh thông qua điện thoại thông minh. Đó là nền tảng hạ tầng để đơn vị này trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ cao trong việc cấy ghép, lai tạo, sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao hàng đầu cả nước.
Khu NNCNC TP HCM là một trong 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong của cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản. Theo TS Dũng, với hệ thống hạ tầng hiện đại, đội ngũ nhân lực trình độ cao, Khu NNCNC TP HCM đang hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức, trường đại học và cả những nhà khoa học hàng đầu của nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển để chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực.
Khu NNCNC TP HCM đã triển khai hơn 408 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ươm tạo công nghệ cấp cơ sở, tỉnh, thành phố và cấp bộ. Những nghiên cứu tập trung vào các nhóm thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như rau, hoa, cá, cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu và chế phẩm sinh học phục vụ lĩnh vực canh tác cây trồng và nuôi trồng thủy sản.
TS Phạm Đình Dũng (thứ 2 từ trái qua) cùng cộng sự kiểm tra giống lan trong phòng thí nghiệm
Những cán bộ nghiên cứu khoa học tại Khu NNCNC TP HCM cho biết các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học này đều mang dấu ấn quan trọng của TS Phạm Đình Dũng. "Anh Dũng nhìn đâu cũng thấy đề tài nghiên cứu. Cứ đi đâu thấy nông dân trồng cây gì mà chưa cho năng suất cao, chất lượng chưa tốt, chưa hiệu quả là anh ấy lại hình thành ý tưởng nghiên cứu. Cách của anh ấy là nghiên cứu cho bằng được, nghiên cứu xong thì phải ứng dụng cho ra sản phẩm để làm sao người trồng, người nuôi có được lợi ích tốt nhất" - Lâm, một cán bộ trẻ, nhận xét.
Với sự điều hành của TS Dũng, Khu NNCNC TP HCM đã chuyển giao cho 65 tổ chức, doanh nghiệp và nông hộ tại TP HCM và các tỉnh, thành hàng trăm mô hình, quy trình ứng dụng tự động cùng hàng triệu cây giống, con giống chất lượng cao.
Nâng tầm nông sản
Đam mê nghiên cứu khoa học, nắm trong tay hàng trăm đề tài nghiên cứu nên TS Phạm Đình Dũng luôn say sưa nói về những tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong việc trồng trọt, chăn nuôi.
"Làm nông nghiệp hiện nay khác xưa rất nhiều. Cũng trên một diện tích đất ấy nhưng nếu áp dụng những tiến bộ của khoa học, cộng với kỹ thuật canh tác chuyên nghiệp thì hiệu quả rất lớn. Ở TP HCM, tiềm năng nông nghiệp còn rất lớn dù quỹ đất ngày một eo hẹp. Gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã chứng minh rằng nhiều nông sản chất lượng được nuôi trồng ít phụ thuộc vào diện tích đất. Đó là hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trong các đô thị" - anh nhận xét.
Theo anh Dũng, thổ nhưỡng khó thay đổi nhưng nếu biết ứng dụng công nghệ, chịu khó tìm tòi nghiên cứu thì những vùng đất khó khăn nhất vẫn có thể cho ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đó là lý do anh và cộng sự lặn lội đến những nơi được xem là "vùng đất chết" để giúp người dân hồi sinh mảnh đất cằn cỗi. Từ đó, anh dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng đất để cho ra đời những sản phẩm mới, sau đó chuyển giao giống và công nghệ trồng trọt cho nông dân. "Hạnh phúc nhất là chứng kiến những nông sản thu hoạch được từ công trình nghiên cứu của mình" - anh bày tỏ.
Theo TS Dũng, từ ngày đất nước thống nhất, nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều bước phát triển vượt bậc nhất. Tuy nhiên, nhiều nông sản chưa đạt hiệu quả, chất lượng chưa cao, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn, cần cải thiện nhiều.
"NNCNC là hướng đi tốt nhất giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân khai thác hiệu quả mảnh đất của mình để làm giàu. Với sự tiến bộ của khoa học, chúng tôi có trách nhiệm nâng tầm nông sản để Việt Nam có nhiều hơn những sản phẩm nông nghiệp được được tiêu thụ khắp thế giới" - TS Dũng hoài bão.
Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu NNCNC TP HCM. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước các thành quả mà Khu NNCNC đã làm được trong thời gian qua, nhất là trong sản xuất giống cây, giống con, cây thực phẩm, hoa tươi...
"Những gì bắt đầu từ Khu NNCNC sẽ góp phần thay đổi nông nghiệp TP HCM và thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam" - Chủ tịch nước tin tưởng.
Bình luận (0)