Trở về, sum họp
Trưa 16-4-1975, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo: "9 giờ 30 phút sáng nay, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền tỉnh Ninh Thuận. Nhân dân thị xã Phan Rang và các địa phương nổi dậy phối hợp với quân giải phóng đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ. Tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng".
Trước đó, cuối tháng 3 đầu tháng 4-1975, các tỉnh cao nguyên và Nam Trung Bộ lần lượt được giải phóng. Thế quân ta như chẻ tre, từ Buôn Ma Thuột đến Thừa Thiên - Huế và gần hết dải miền Trung lần lượt được giải phóng, chế độ bù nhìn Việt Nam Cộng hòa sụp đổ...
Tấm bản đồ hành chính treo trên tường nhà lần lượt được ghi ngày giải phóng: 29-3 Khánh Hòa, 1-4 Lâm Đồng... nên tôi cứ ngỡ Ninh Thuận sẽ được giải phóng trong ngày một ngày hai. Vậy mà thời gian trôi đi 5 ngày, 10 ngày...
Tôi nhớ hằng ngày gần như ngủ không đủ giấc, ăn không đúng bữa. Mấy cô chú trong Hội đồng hương Khu 6 (gồm Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận) ở Nam Định hầu như ngày nào cũng đến cơ quan điểm danh xong là tụ tập ở nhà nhau, mở đài nghe, uống trà rồi bàn chuyện thế sự.
Thời ấy không có điện thoại cá nhân, chỉ di chuyển bằng xe đạp, chẳng hiểu sao các cô chú liên hệ được với nhau nhanh thế! Vài người đã có suy nghĩ bi quan - hay là chúng ta chỉ có thể giải phóng đến đó thôi?
Bởi thế, khi nghe tin Ninh Thuận được giải phóng, những người tập kết như ba tôi vui lắm. Ba tôi hoạt động cách mạng trước Khởi nghĩa tháng 8-1945, là thương binh, tập kết ra Bắc năm 1954. Trước khi giải phóng miền Nam năm 1975, ba tôi công tác tại Ty Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Hà cũ.
Ba tôi xa quê tính ra cũng 21 năm đằng đẵng, không tin tức người thân. Vì vậy, được về quê đoàn tụ với gia đình, họ hàng trong một ngày thật gần, với ông hẳn là niềm vui khôn xiết. Sau này, khi lớn lên, tôi mới cảm nhận và thấu hiểu nỗi lòng ba tôi lúc ấy.
Cựu chiến binh Trần Thanh Sơn
Nghe tin miền Nam được giải phóng, nhiều người hàng xóm lối phố tới nhà chúc mừng ba tôi. Thường ngày, ông không bao giờ uống bia rượu, vậy mà hôm đó uống say đi không vững. Có chú gần nhà nói thấy cả chục ông "miền đù" (tiếng lóng chỉ những người tập kết) vào bao luôn quán hàng ở trên phố để mở tiệc. Mẹ tôi thì làm con gà để chờ ba về liên hoan. Chờ không được nên bà dọn cho mấy chị em tôi ăn hết.
Sau đó mấy ngày, ba tôi cùng mấy chú đồng hương đạp xe gần 100 km từ TP Nam Định lên Hà Nội, tới Ban Thống nhất Trung ương để xin chuyển công tác về Ninh Thuận.
Mơ ước về quê đã trở thành hiện thực khi Sài Gòn được giải phóng. Ba tôi hằng đêm mở nhật ký ra ghi chép và đọc lại những gì mà suốt hơn 20 năm qua ông đã viết. Hình như ông muốn tự mình tái hiện những kỷ niệm về gia đình, đồng đội, những địa danh, tên làng, tên xóm mà lâu rồi không được gọi.
Niềm vui quê hương giải phóng cùng niềm vui chung đất nước thống nhất không chỉ là sự kiện riêng của gia đình nào. Đầu tháng 7-1975, ba đưa tôi về quê. Xe dừng tại Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17 - nơi có cây cầu Hiền Lương sơn nửa xanh nửa vàng, trước ngày 30-4-1975 là biểu tượng buồn của sự chia cắt đất nước.
Lúc đó, ba tôi và nhiều người trong đoàn cán bộ miền Nam tập kết đã rưng rưng nước mắt. Tôi chợt hiểu chiến tranh không chỉ là khúc tráng ca mà còn có những hiện thực đau buồn, nếu ai đó trải qua thì không thể nào quên được.
Ngày 16-4 rồi 30-4 năm ấy là dấu mốc của hòa bình, của chiến thắng và sự trở về, sum họp. Cho đến mãi sau này, những người trong gia đình tôi mỗi khi ngẫm lại vẫn thấy hòa bình như là giấc mơ mà có thật.
Nhân ái, khoan dung
... Khoảng hơn 10 giờ ngày 16-4-1975, sau khi giải phóng xong Phan Rang, mũi thọc sâu của Trung đoàn 25 và Sư đoàn 3, Quân khu 5 tiếp tục theo Quốc lộ 1 tiến về giải phóng thị xã Phan Thiết.
Đội hình gồm xe tăng T54, xe thiết giáp và Molotova trên đường đi đến đoạn gần quận lỵ An Phước hầu như không có sự phản kháng nào của lực lượng Việt Nam Cộng hòa. Nhưng khi đi tiếp thì có tiếng nổ lớn từ trận địa pháo 105 ly.
Một tên trong nhóm địa phương quân đã bắn trực tiếp vào giữa đội hình của quân giải phóng đang tiến lên. Một xe Molotova trúng đạn và 4 chiến sĩ hy sinh. Họ được người dân và anh em trong đơn vị mai táng ngay.
Bấy giờ, một chiếc xe tăng T54 của ta chuyển hướng áp sát trận địa pháo của địch. Khẩu pháo trên xe chúc nòng xuống sẵn sàng nhả đạn. Trên tháp pháo, khẩu 12,7 ly cũng sẵn sàng tiêu diệt mục tiêu gần, nếu phát hiện sự chống cự.
Toán lính địch lúc này phát hiện xe tăng T54 áp sát liền quăng súng, vừa cởi áo bỏ chạy vừa giơ tay hàng.
Chiếc xe tăng lướt qua, không phát đạn nào được bắn ra, sau đó thì dừng lại. Vài người xách súng AK nhảy xuống thu vũ khí của một nhóm lính đã cởi quân phục, đang trú dưới gầm cầu. Họ yêu cầu đám lính đã bỏ vũ khí hãy trở về nhà. Sau đó, chiếc xe tăng tiếp tục theo đội hình tiến về phía Nam...
Trong chiến tranh không thể nói trước được điều gì. Có những lúc tưởng chết chắc rồi, vậy mà vẫn sống. Lòng nhân ái, khoan dung của nhóm chiến sĩ trên chiếc xe tăng lúc đó đáng để nhiều người ngả mũ và không ít người phải đội ơn. Bởi lẽ, họ đã tha mạng, không trả thù kẻ đã thua trận, đầu hàng.
Sau năm 1975, tôi đã vài lần tới thắp nhang trên mộ 4 liệt sĩ ấy - nằm ở cổng làng Bàu Trúc, thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bây giờ. Rất tiếc là lúc đó tôi đã không kịp ghi lại tên và quê hương các anh, chỉ nhớ hình như 1 người quê Sơn Tây, 1 người Hà Nội và 2 người ở Bắc Giang.
Một buổi sáng tháng 4-1991, 2 người đàn ông và một phụ nữ từ trên chiếc xe tải bước xuống, đi vào nhà tôi - khi ấy ở sát Quốc lộ 1. Họ hỏi về mộ 4 chiến sĩ hy sinh trên chiếc xe Molotova vào ngày giải phóng Ninh Thuận.
Tôi kể cho 3 người nghe về những gì mình biết, hướng dẫn họ tới nghĩa trang của tỉnh và đưa họ đến chỗ chiếc xe bị địch bắn ngày đó. Ba người bày trái cây và đứng chắp tay thắp hương ở ven đường. Tôi loáng thoáng nghe tiếng người phụ nữ: "Em ơi! Chỉ còn vài ngày nữa là 16 năm giải phóng rồi...".
Cựu chiến binh PHẠM TẤT THẮNG, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Biệt động 314:
Trở về sau 10 năm biền biệt
Sáng sớm 16-4-1975, nghe tiếng đạn pháo và xe tăng tiến từ hướng Du Long vào thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi nhanh chóng kéo cờ rồi cùng với đơn vị chủ lực tiến về giải phóng thị xã này.
Đêm 16-4-1975, các đơn vị của ta truy kích, bắt được nhiều lính và sĩ quan cao cấp của địch, giải phóng hoàn toàn Ninh Thuận...
Cựu chiến binh PHẠM TẤT THẮNG, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Biệt động 314
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được phân công nhiệm vụ mới nên chưa được trở về thăm quê hương, gia đình ngay.
Quê tôi ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Năm 18 tuổi, tôi nhập ngũ rồi vào chiến đấu tại chiến trường Ninh Thuận. Nhớ ngày tôi lên đường vào Nam, mẹ núp sau cây dừa lau nước mắt, lẳng lặng tiễn con đi. Cha tôi thì tỏ ra cứng rắn nhưng nghe nói là đêm đêm thường khóc vì nhớ thương con.
Từ ngày đi bộ đội đến khi đất nước thống nhất, tôi không một lần về phép, không có thư từ liên lạc. Gia đình lo rằng tôi có thể đã hy sinh.
Vì nhiệm vụ, mãi đến cuối năm 1976, tôi mới được về thăm quê. Khó mà diễn tả hết cảm xúc của tôi và gia đình lúc đó. Gần 10 năm vào Nam chiến đấu biền biệt, bỗng dưng tôi trở về lành lặn nên gia đình vô cùng mừng rỡ. Mẹ nghẹn ngào ôm lấy tôi, không nói nên lời.
Bố tôi lúc đó đang đánh dặm ngoài đồng. Nghe tin tôi trở về, ông liền vứt bỏ tất cả chạy đến với con.
Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về chiến tranh vẫn luôn hiện hữu trong tôi, nhất là những ngày tháng 4-1975 lịch sử. Nghĩ về sự ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh, gian khổ của đồng đội và bản thân, chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa của cuộc sống hòa bình hôm nay. Chúng tôi cũng luôn nhớ ơn những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có đồng đội mình.
Như Thừa ghi
Bình luận (0)