Tại chợ đầu mối Bình Điền, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh chợ truyền thống là nơi thể hiện rõ văn hóa, kinh tế của địa phương, khi chợ đìu hiu tức là kinh tế xuống, chợ sôi động cho thấy kinh tế đi lên. Hoạt động tại chợ cũng thể hiện khả năng quản trị của địa phương vì tại đây tập trung rất nhiều nhóm chủ thể. Theo bộ trưởng, nếu không làm tốt về an toàn thực phẩm tại thị trường nội địa thì xuất khẩu chập chờn và rất khó phát triển thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân cũng như khách quốc tế tại Việt Nam không hề kém quan trọng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng cho rằng cái khó của nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, quá nhiều đầu mối tham gia nên rất khó quản lý. Chợ đầu mối Bình Điền (TP HCM), quy mô gần 25 ha có đến 1.800 thương nhân trong khi chợ đầu mối Rungis (Paris - Pháp) diện tích hơn 200 ha nhưng chỉ có khoảng 200 thương nhân. Công ty quản lý chợ đầu mối Bình Điền có thể giảm bớt đầu mối bằng việc thành lập các nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 thương nhân thì việc quản lý sẽ dễ hơn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn đề nghị chợ đầu mối Bình Điền bắt đầu xây dựng sứ mạng không dừng lại ở điểm hội tụ người mua bán mà phải kết nối vùng nguyên liệu với địa phương…
Xưa nay cán bộ lãnh đạo đi thị sát tình hình thực tế là chuyện đương nhiên, việc phải làm với những người quản lý. Những chuyến đi sẽ giúp họ thấy được đời sống người dân, thấy trong lĩnh vực mình quản lý bộc lộ những vấn đề gì bất cập để khắc phục; thấy đâu là những việc cần làm cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Từ một góc tham chiếu thực tế, nhìn rộng ra thực tế địa phương, soi lại vào quản lý ngành để quản lý tốt hơn. Tầm nhìn không chỉ giới hạn ở thực tế đó, thời gian hiện hữu mà nhìn rộng hơn, xa hơn, thể hiện tài đức, tâm và tầm; có như vậy mới quản lý ngành chặt chẽ, hiệu quả, ngành phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Dấu ấn lãnh đạo quản lý, cốt cách gần gũi người dân của ông Lê Minh Hoan đã được nhắc đến nhiều, từ thuở ông còn là cán bộ chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp với những quyết sách mới mẻ, táo bạo, giúp tỉnh này vươn lên thành một trong những địa phương dẫn đầu đồng bằng sông Cửu Long về nhiều mặt. Khi đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông thể hiện rõ tâm và tầm của một người tài, với ý thức đổi mới mạnh mẽ, tư duy năng động, theo kịp sự phát triển thời đại. Ông đặt ngành NN-PTNT trước những sứ mạng mới với tư duy đột phá, cách làm khoa học để ngành có những thành tựu vững chắc, phát triển đúng với kỳ vọng của người dân.
Những chuyến đi về cơ sở, sâu sát cơ sở, gần gũi với cơ sở luôn rất cần với những người làm quản lý. Vốn sống, vốn tri thức là rất quan trọng, song nếu có thêm kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế sẽ giúp rất nhiều cho những quyết sách của người lãnh đạo. Cuộc sống luôn có những bài học lớn, biết lắng nghe, cảm nhận sẽ đem lại cho bản thân những giá trị sống để làm việc tốt hơn.
Bình luận (0)