Sông Cửa Lớn là ranh giới tự nhiên của 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Sông có chiều dài 58 km, rộng 600 m và sâu 12 m; nước chảy xiết. Trong chiến tranh, con sông này từng nhấn chìm nhiều xác tàu giặc. Trong thời bình, nó cũng gieo không ít kinh hoàng cho bao kiếp người mưu sinh. Chính sự khắc nghiệt của dòng sông lớn nhất vùng sông nước Cà Mau đã xuất hiện nhiều người hành nghề thợ lặn lừng danh. Trong số đó, chỉ có một phụ nữ và cũng là thủ lĩnh của hơn 30 tay thợ lặn thuộc hàng giỏi bậc nhất xứ này. Bà là Đàm Thị Duyên - nữ thợ lặn duy nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Tuổi cao nên bà Đàm Thị Duyên (ảnh nhỏ) đã giải nghệ nhưng vẫn lưu luyến với nghề
Chuyên trục vớt chiến hạm
Bà Duyên nay đã 59 tuổi, sống một mình trong căn nhà rộng bên sông Cửa Lớn. Chồng và 3 người con của bà đều định cư ở Mỹ. Bà cũng 3 lần xuất ngoại đoàn tụ gia đình nhưng sau đó đều lặng lẽ quay về với đáy sông, tiếp tục chỉ huy một đoàn lặn kiếm cơm với nghề nguy hiểm.
Bây giờ, dù đã không còn sức khỏe để lặn nhưng người phụ nữ này vẫn được cánh thợ lặn nể trọng. Không phải vì bà là người phụ nữ duy nhất ở đây lôi được xác tàu Mỹ lên bờ; không chỉ vì bà là một thợ lặn lão luyện, chỉ huy được những thợ lặn thuộc hàng giỏi nhất; mà còn vì bà chấp nhận đánh đổi hạnh phúc riêng tư để sống cái nghề mò mẫm đáy sông này.
Cánh thợ lặn sông Cửa Lớn biết rất rõ còn bao chiến hạm và nó nằm nơi nào dưới đáy con sông rộng mênh mông này. Ngồi trên mui tàu, một thợ lặn chỉ tay về hướng vàm Ông Định, nói vẫn còn 2 chiếc rất to. Bà Duyên cho biết dưới đó còn nhiều sắt vụn, súng đạn cũng còn nhưng tất cả đều đã mục hoặc gỉ sét. Tuy nhiên, lý do để cánh thợ lặn lùng sục trục vớt chiến hạm Mỹ không chỉ vì kinh tế. "Hồi đó, nửa đêm nửa hôm xuồng ghe qua lại vướng chiến hạm bị chìm như ăn cơm bữa. Đến độ có đám tang đi ngang đụng phải xác tàu, rớt... quan tài dưới sông, nhắm chịu nổi không?" - bà Duyên từ tốn kể.
Chiến hạm gần nhất mà bà Duyên lôi từ đáy sông lên có kích thước 45 m x 19 m, bị đánh chìm tại vàm Tắc Biển. Lần đó, bà đã huy động gần 50 thợ lặn với xuồng ghe, máy móc để kéo chiếc tàu nặng hàng trăm tấn từ đáy sông lên. Từ đó, người dân đi lại trên sông cũng không còn nỗi ám ảnh lo tàu ghe bị chìm khi đi qua đây.
Sông Cửa Lớn, nơi bà Duyên gắn bó cả đời với nghiệp thợ lặn
Nặng nợ với sông
Bà Duyên quê gốc Cần Thơ. Năm 18 tuổi, bà đã có khả năng lặn được 5 phút dưới độ sâu hàng chục mét mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào. Năm 28 tuổi, bà lấy chồng là thương nhân Hoa kiều Chợ Lớn (ở TP HCM bây giờ). Vài năm sau, cả gia đình chồng và 3 người con sang Mỹ định cư nhưng bà quyết định ở lại quê nhà vì cuộc sống nơi xứ người không khỏa lấp được nỗi nhớ sông nước.
Đầu những năm 1980, bà tập hợp các thợ lặn rồi thành lập đội lặn chuyên nghiệp, mở rộng vùng hoạt động từ Cần Thơ sang các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang… Thời ấy, không chỉ các công ty tư nhân thuê đội lặn của bà Duyên trục vớt tài sản bị chìm mà ngay cả Bộ Quốc phòng, Cục Quản lý đường sông cũng đến hợp đồng thuê trục vớt các chiến hạm, tàu sắt Mỹ bị đánh chìm trong chiến tranh. Và trong một lần về Cà Mau trục vớt chiến hạm Mỹ cách đây gần 30 năm, bà Duyên gắn chặt cuộc đời với dòng sông nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc cho tới bây giờ.
Thợ lặn ở đây chỉ lưng trần, quần cộc và dây cao su thông hơi nối lên mặt nước để thở. Vì thế, nhiều người lặn lâu năm bị nhiều chứng bệnh: đau khớp, tim mạch, giảm thị lực và thính lực... Duy chỉ có bà Duyên là từ lúc biết lặn cho đến nay chưa từng gặp bất cứ chứng tật nào. "Lúc còn khỏe, mỗi lần lặn, tôi có thể ngậm ống hơi, đi bộ dưới đáy sông Cửa Lớn trong 3-4 giờ liên tục. Cho tới nay, có lẽ may mắn nên tôi chưa từng gặp phải sự cố gì khi lặn và cũng không bị ảnh hưởng di chứng gì" - bà Duyên khẳng định.
Bà Duyên không nhớ nổi đã bao nhiêu lần lặn xuống đáy sông cứu đồng đội, khi họ bị tuột dây hay bể ống hơi. Nghề này đầy rẫy nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ của người thủ lĩnh là bạn lặn bỏ mạng như chơi. "Mới năm ngoái, tôi phải đưa 4-5 em đi cấp cứu khi đang trục vớt tàu cá chìm ở Kiên Giang. Nguyên nhân là do chỗ tàu chìm nước xoáy mạnh quá nên bị sốc. Lần đó tôi vẫn trục vớt thành công nhưng lỗ hơn 40 triệu đồng" - bà Duyên nói.
Thế nhưng, câu chuyện xảy ra cách nay 20 năm mới là nỗi day dứt và là bài học mà bà Duyên áp dụng cho bản thân cũng như những thợ lặn trẻ sau này. Theo nữ thợ lặn nhiều kinh nghiệm này, độ lặn sâu tối đa mà một thợ lặn giỏi chịu được là 50 m, xuống sâu hơn nữa thì khó mà chịu được áp suất nước. Vậy mà có một người dám thử vượt qua cái mức giới hạn đó và kết cục là phải bỏ mạng trong lòng biển. Đó là ông Đàm Văn Đức - anh ruột của bà Duyên.
"Hôm đó trời mưa giông mù mịt, nhóm thợ lặn của tôi và anh Tám Đức nhận hợp đồng trục vớt tàu cá bị chìm ngoài biển. Anh tôi lúc đó đã trên 50 tuổi vẫn lặn xuống tận đáy để luồn dây qua lườn tàu. Lúc ấy biển động, sóng to, trong một hơi lặn sâu, anh tôi đã bị nước nhồi và khi cố gắng nổi lên tới mặt nước thì bị thổ huyết rồi qua đời" - bà Duyên nhớ lại.
Sau cái chết của người anh, bà Duyên nản chí, đã quyết định bỏ cái nghề lặn nghiệt ngã, lần thứ hai qua Mỹ sống với chồng con. Thế nhưng, trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn, bà lại thấy dằn vặt một nỗi lo: Liệu những anh em thợ lặn đã theo mình gần 20 năm qua sẽ sống ra sao? Vậy là một ngày đẹp trời, người ta thấy bà Duyên trở về Mũi Cà Mau để vào sinh ra tử với cái nghề lặn ngụp dưới dòng sông cùng đồng nghiệp.
Vài tháng trước, do những người trong đội lặn đều lớn tuổi, bà giải tán đội, chuyển sang nghề nuôi hàu. Nhưng khi có người thuê trục vớt tàu đánh bắt chìm ngoài biển là bà lại huy động đội lặn ra quân.
Rùng mình nắm tay người chết
Tung hoành gần 30 năm dưới đáy sông Cửa Lớn nhưng nữ thợ lặn này sợ nhất là mỗi khi có ai gọi đi lặn tìm... xác chết. Bà Duyên thú nhận rằng khi nắm được tay người chết ở tận mười mấy mét nước dưới đáy sông lạnh lẽo, lắm lúc bà cũng rợn người. "Tôi làm nghề này gần 30 năm nên cũng không nhớ nổi mò tìm được bao nhiêu xác người. Mà cái vụ lặn tìm xác chết không giống như lặn mò tàu, tìm đạn hay lặn vô tàu Mỹ đâu. Nó gay go hơn nhiều. Đêm tối, lạnh buốt nhưng không phải hễ mò là được ngay xác nạn nhân. Đôi khi phải trắng đêm quờ quạng dưới lòng sông mới tìm được xác người" - bà Duyên lý giải.
Sau mỗi lần như thế, có lúc bà nhận được lời cảm ơn nhưng cũng có lúc trong đau thương, không ai còn nhớ đến người đưa xác người thân của họ từ mấy chục mét đáy sông lên để về an táng. Bà Duyên chưa bao giờ nhận tiền thù lao của người thân nạn nhân cũng như chưa bao giờ ra giá tiền bạc với công việc lặn tìm xác chết này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-8
Kỳ tới: Thủ lĩnh thép của ngư đội bám biển
Bình luận (0)