xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giang Nam - người lưu giữ ký ức xứ trầm

Bài và ảnh: KỲ NAM

Báo Thắng của Tỉnh ủy Khánh Hòa ra đời từ năm 1946, đến nay vẫn còn một thư ký tòa soạn rất nổi tiếng là nhà thơ Giang Nam

Nhà thơ - nhà báo Giang Nam (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) năm nay đã 90 tuổi, là một trong những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ đầu thành lập. Tài sản sau 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của nhà thơ là một kho tàng văn hóa đồ sộ như một thư viện sống về vùng đất xứ trầm hương.

Chiến sĩ văn hóa

Trong căn nhà đơn sơ vương mùi vôi cũ giữa trung tâm TP Nha Trang, nhà thơ ngồi đó dưới mái hiên râm mát và góc nhỏ chật ních sách báo. Tiếp lớp hậu bối chỉ đáng tuổi cháu chắt, nhà thơ ân cần pha nước, lấy bánh trái thết đãi.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 3-1945 khi nhà thơ đang học bậc cao đẳng tiểu học ở Trường Trung học Võ Tánh thì Nhật đảo chính Pháp. Chàng thanh niên Nguyễn Sung (tên thật của nhà thơ Giang Nam) đã chọn cho mình một con đường đầy gian khổ là tham gia Việt Minh, truyền bá chữ quốc ngữ cho đồng bào. Ngày 23-10-1945, 1 tháng sau khi Nam Bộ kháng chiến, Nguyễn Sung mới 16 tuổi đã cầm súng tham gia tấn công địch ở mặt trận Nha Trang, bao vây thị xã 101 ngày.

Tháng 4-1946, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định thành lập tờ Báo Thắng nhưng phải đến năm 1947, tại chiến khu Hòn Dữ, số báo đầu tiên mới ra đời trong bộn bề thiếu thốn. Báo in bằng kỹ thuật in đá với mực charbonel trong hoàn cảnh bị địch đánh phá. Mỗi tháng, Báo Thắng vẫn ra được 2 đến 3 số, mỗi số khoảng 600-700 bản. Vào thời điểm này, khi đang làm trưởng ban thông tin xã, nhân chủ trương "Tiến về làng", Nguyễn Sung gửi 4 câu thơ cho Báo Thắng: "Khói ai phơ phất bên đèo/ Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không?/ Quê làng người đợi kẻ trông/ Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày" và được đăng.

Giang Nam - người lưu giữ ký ức xứ trầm - Ảnh 1.

Gia tài văn hóa với hàng chục ngàn tư liệu của nhà thơ - nhà báo Giang Nam

Bất ngờ, tháng 5-1948, Tỉnh ủy Khánh Hòa điều Nguyễn Sung lên chiến khu làm cán bộ Ty Thông tin Khánh Hòa, sau đó làm biên tập viên, thư ký tòa soạn Báo Thắng. Bút danh Giang Nam ra đời từ đó.

Năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông Giang Nam được Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị lấy người yêu làm vợ trước khi tham gia tổ liên hiệp đình chiến ở Quy Nhơn. Rồi vợ chồng ông chia tay từ đó khi bà bí mật ở lại miền Nam hoạt động.

Ký ức Nha Trang

Sau 1954, đất nước bị chia cắt Nam - Bắc, ông được làm giấy tờ giả để hoạt động nội thành, bố trí làm công nhân cưa gỗ cho người chủ tên Bửu Khiêm. Gia chủ có vợ là chánh án tòa án Nha Trang.

Một lần, ông trung úy Pháp gặp ông chủ lấy gỗ, tháp tùng có người bạn cũ thời đi học của ông Giang Nam tên là Võ Văn Đầu. Ông Đầu kéo ông lại hỏi chuyện, ông chỉ nhận mình làm dân thường thôi. Ông Đầu trước khi về nói: "Tôi giữ bí mật cho anh". Cũng chính ông Đầu là người báo tin về người anh của ông bị địch bắn chết ở Ninh Hòa và dặn ông đừng về quê mà mất mạng.

Ở Nha Trang, ông Giang Nam tiếp tục tham gia tờ Gió Mới chống Mỹ - ngụy. Gió Mới là báo của Đảng công khai duy nhất ở Nam Trung Bộ thời điểm bấy giờ. Ngay ở số thứ 2 đã đăng bài thơ "Chiều trên bến Điệp" với nội dung chống chiến tranh của Giang Nam. Thời đó, chính quyền bắt các báo đăng bài theo chủ trương thanh niên đứng dậy đánh ra miền Bắc. Giang Nam với bút danh Lê Minh lại có bài kêu gọi hòa bình. Vụ việc khiến tổng biên tập bị triệu tập, cảnh cáo và yêu cầu báo đăng mời tác giả Lê Minh lên tòa soạn có việc. "Rất may tôi cẩn thận nhờ người không liên quan đưa thư đến tòa soạn. Anh Mai Xuân Cống, Tổng Biên tập Gió Mới, nhận được thư này và hẹn gặp. Anh Cống cho biết tòa soạn đã bị kiểm soát thư tín nên cho địa điểm khác gửi bài. Báo ra được hơn 10 số thì đóng cửa, anh Cống bị bắt đày ra Côn Đảo".

Tình hình nguy cấp, nhiều cán bộ của Đảng bị lộ nên ông Giang Nam được yêu cầu phải rút khỏi Nha Trang. Trước khi đi, ông chủ Bửu Khiêm nói: "Anh chê lương thấp thì tôi tăng lương cho anh gấp đôi. Anh vừa làm tốt vừa được lòng khách hàng. Anh đi tôi mất khách lắm!". Nhưng khi đó, ông vẫn quyết đi. Ông Khiêm liền nói: "Vậy là tui biết anh rồi. Thôi tui chúc anh thành công". "Quả thật giấu ai chứ không giấu dân được. Dựa vào dân thì dân mới bảo vệ mình" - nhà thơ Giang Nam đúc kết.

Yêu "Quê Hương" trong từng nắm đất

Nhắc đến Giang Nam, không thể không đề cập đến bài thơ "Quê hương" ra đời năm 1960 trên chiến khu ở Khánh Hòa.

Trước đó, đến ngày rút khỏi Nha Trang, ông được đoàn tụ với vợ ở Biên Hòa. Sau đó, tổ chức yêu cầu ông rút về chiến khu Khánh Hòa tiếp tục kháng chiến. Năm 1958, người giao liên giữ nhiệm vụ liên lạc giữa ông với vợ bị bắt, vợ ông bị giam ở nhà tù Chí Hòa.

Năm 1960, ông nhận được tin người vợ và con gái đầu lòng bị Mỹ - ngụy sát hại trong tù ở Biên Hòa. "Trong tâm trạng mất vợ con, đau đớn quá lớn, tôi viết bài thơ cho mình…" - nhà thơ trải lòng. Vậy là trong vòng 1 giờ, bài thơ ra đời với những câu từ da diết, nao lòng. "… Đau xé lòng anh, chết nửa con người! Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi". Năm 1961, bài thơ được giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ và được phổ biến ở miền Bắc, sau đó được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa.

Điều kỳ diệu là năm 1973, hai vợ chồng gặp lại nhau ở đất thép Củ Chi. Người vợ cho biết đã rất cảm động khi được đọc thơ chồng trong nhà tù Chí Hòa.

NSƯT - đạo diễn Phạm Việt Tùng, người tham gia làm phim về Bác Hồ, cho biết: "Sinh thời, khi làm phim về Bác Hồ, Người từng nhận xét "thơ Giang Nam rất có tình". Nhân cách Giang Nam tôi rất nể phục khi ông tự nhận mình chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn để làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh".

Ông Giang Nam từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa…

nha-tho-giang-nam

Chân dung nhà thơ Giang Nam

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo