Tại buổi trao tiền, quà hỗ trợ đợt 3 cho 1.376 người dân trên địa bàn phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM, ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, cho biết nhiều người đã xin rút tên khỏi danh sách, nhường phần của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Chỉ nhận sự động viên
"Tuy cũng khó khăn nhưng họ vẫn quyết định nhường phần hỗ trợ của mình cho những người cơ cực hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch" - ông Hưng xúc động.
Theo ông Hưng, trân trọng nghĩa cử cao đẹp của người dân trong lúc khó khăn, phường Linh Trung đã quyết định tặng giấy khen, kèm một phần quà nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng cho những người đã nhường suất hỗ trợ. Thế nhưng, nhiều người chỉ nhận giấy khen, còn phần quà thì nhờ địa phương tặng lại những người tạm trú đang ở trọ, mất việc làm, không có thu nhập.
Bà Trịnh Thị Mỹ Huệ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức, TP HCM (bìa trái) - tặng quà cho người dân
Chị Lê Thị Kim Chi - thuê trọ tại khu phố 3, phường Linh Trung; người nhường suất hỗ trợ của mình cho người khác - bày tỏ: "Tôi chỉ tiếc là chưa thể giúp được gì thêm, vì có nhiều người đi bán vé số dạo, nhặt ve chai thu nhập đã thấp nay lại mất luôn thu nhập do dịch bệnh. Tôi chỉ xin nhận sự động viên, còn quà thì nhờ địa phương chuyển đến các phòng trọ bên cạnh đang rất cần".
Ông Trần Quốc Hưng cho biết phường Linh Trung có 64.000 nhân khẩu, trong đó rất đông người tạm trú tại các khu trọ. Phường có 52.000 người thuộc diện được nhận gói hỗ trợ đợt 3, cứ 50 người thì có 1 trường hợp nhường phần mình cho người khác.
"Trong lúc bị dịch bệnh, người dân vẫn san sẻ, động viên nhau vượt qua đại dịch, đó là những tấm lòng cao quý, hành động cao đẹp. Những phần hỗ trợ mà người dân tự nguyện nhường lại cho người khác, phường sẽ tiếp tục rà soát, lập danh sách những người thật sự khó khăn để hỗ trợ theo đúng tinh thần của HĐND TP HCM" - ông Hưng nhấn mạnh.
"Nhường cơm sẻ áo"
Tại quận Gò Vấp, TP HCM - địa phương có số người thuộc diện nhận trợ cấp khá lớn - cũng có nhiều tấm lòng thơm thảo. Anh Nguyễn Đăng Khoa (phường 14) cho biết anh có 2 quán cà phê được đầu tư với quy mô vừa phải, do dịch bệnh từ năm ngoái đến nay phải đóng cửa nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Chính quyền địa phương lập danh sách gia đình anh thuộc diện nhận gói hỗ trợ nhưng anh không nhận vì cho rằng nhiều người khác còn gặp khó hơn mình.
"Dịch bệnh đã khiến nhiều người gặp túng bấn, trong khi gia đình tôi vẫn có thể xoay xở được nên muốn nhường phần hỗ trợ đó cho các hộ khó khăn hơn. Tôi nghĩ ngân sách của nhà nước có hạn, trong khi đợt dịch bệnh này số lượng hộ dân cần hỗ trợ rất lớn" - anh Khoa bày tỏ.
Gia đình chị Lê Thị Oanh (phường 12) cũng nhường gói hỗ trợ, túi an sinh cho người khác. Chị Oanh may gia công quy mô nhỏ tại nhà, chồng làm thợ hồ. Từ khi dịch bệnh ập đến, chồng thất nghiệp nhưng chị vẫn nhận được một số đơn hàng may nhỏ.
Chị Oanh cho hay qua khảo sát, tổ dân phố và khu phố xác định chồng chị là lao động tự do nằm trong diện được nhận 1,5 triệu đồng và gói an sinh. Thế nhưng, chị đã bàn với chồng nhường phần đó cho người khác bởi khu vực chị ở trọ, nhiều người thất nghiệp mấy tháng nay nên họ cần hơn.
Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp, cho biết nhu cầu hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm trên địa bàn quận trong đợt dịch này rất lớn. "Dịch bệnh đã làm đời sống của không ít người dân bị ảnh hưởng nhưng trong đó vẫn có nhiều tấm lòng đáng quý khi "nhường cơm sẻ áo" của mình cho người khó khăn hơn" - bà Hạnh nhìn nhận.
Bình luận (0)